Khi bà mẹ mang thai rất cần bổ sung các loại vitamin và khoáng chất để giúp cho bà mẹ khoẻ mạnh, thai nhi phát triển tốt.
Vai trò của vitamin và khoáng chất với thai phụ
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng cho sức khỏe phụ nữ trong suốt thời gian mang thai, sinh đẻ và cho con bú. Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, đặc biệt nhất là sự thay đổi về khối lượng, cấu trúc cơ thể và thành phần của máu. Thông thường, trong một kỳ mang thai bà mẹ tăng 10 – 12kg bao gồm bào thai, rau thai, nước ối, máu, dịch mô, tử cung, vú.
Nếu người mẹ tăng cân ít trong thai kỳ dễ có nguy cơ đẻ con nhẹ cân, thiếu vi chất (thiếu sắt, thiếu máu, can xi…). Nếu mẹ tăng cân quá nhiều trong thai kỳ sẽ sinh khó, nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.. Nếu cung cấp dinh dưỡng không đủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, nghiêm trọng có thể dẫn đến sẩy thai, sinh non, thai chết lưu… Ngoài ra, thai phụ rất dễ nhiễm các bệnh như: thiếu máu do thiếu sắt, da ngứa, sỏi thận, đau bụng, đau lưng, tiểu khó, táo bón… Những căn bệnh này đều cản trở sự phát triển bình thường của thai nhi, vì thế phải hết sức chú ý đến chế độ dinh dưỡng.
Vitamin và khoáng chất là những yếu tố cần thiết, không thể thiếu đối với cơ thể. Lượng vitamin, khoáng chất cần thiết rất nhỏ và đa số phải đưa từ bên ngoài vào nên được gọi là vi chất dinh dưỡng. Việc cung cấp dưỡng chất từ nguồn thực phẩm thường không đủ, vì thế phải bổ sung thêm bằng thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Sự lạm dụng vi chất dinh dưỡng (thường gọi là thuốc bổ), thiếu hay thừa vi chất đều gây hậu quả không kém phần nghiêm trọng.
Thai phụ không nên tự ý mua thuốc bổ về sử dụng, cần đi khám thai định kỳ để được bác sĩ thăm khám, tư vấn, hướng dẫn cụ thể và chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe của mẹ và từng giai đoạn phát triển của thai nhi, tránh được các tác dụng phụ xảy ra ngoài ý muốn.
Vitamin A có trong thực phẩm là đủ
Theo Viện Dinh dưỡng, hầu hết nhu cầu về vitamin và khoáng chất ở bà mẹ mang thai đều tăng lên so với trước khi mang thai. Nhu cầu vitaminA tăng từ 500mcg/ngày khi chưa mang thai lên 800mcg/ngày khi mang thai.
Tuy nhiên, không dùng vitaminA liều cao vì khi dùng quá liều có thể gây nguy hiểm. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy nếu bà mẹ dùng vitaminA quá liều có thể gây dị dạng thai nhi hoặc gây đẻ khó do rối loạn cơn co tử cung. Vì vậy việc uống bổ sung vitamin A hàng ngày khi mang thai là không cần thiết. Vì vitaminA là vitamin tan trong dầu khi thừa không thể thải trừ ra khỏi cơ thể nhanh qua nước tiểu như các vitamin tan trong nước, mà lại tích lũy trong gan nên dùng thời gian dài có thể gây ngộ độc.
Hơn nữa vitaminA rất sẵn có trong thực phẩm như: trứng, sữa, thịt, tôm, cá…và dạng tiền vitaminA là Beta-caroten có rất nhiều trong rau, củ quả có màu vàng, đỏ: cà rốt, đu đủ, gấc, xoài…và một số loại rau xanh thẫm. Do vậy phụ nữ mang thai chỉ cần ăn nhiều loại thực phẩm hàng ngày thì cũng cung cấp đủ vitaminA rồi.
Ngoài ra, ăn uống đầy đủ còn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất khác nữa. Chỉ trong vòng 1 tháng sau khi sinh, để đảm bảo lượng vitamin trong sữa mẹ, thì sản phụ cần được bổ sung một liều vitaminA là 200.000 đơn vị (IU). Khi mang thai, tuyệt đối không được uống vitamin A liều cao (từ 100.000 đến 200.000 đơn vị) vì có thể gây dị dạng thai nhi.
Lưu ý khi bổ sung vitamin và khoáng chất
Theo Hướng dẫn quốc gia năm 2017 về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú, nên uống các loại vitamin và khoáng chất vào thời điểm phù hợp để có hiệu quả cao nhất và tránh được các tương tác bất lợi.
Các vitamin nhóm B: Đây là những vitamin có thể hòa tan trong nước, đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, đặc biệt là quá trình chuyển hóa carbohydrate thành đường và chuyển hóa chất béo. Nhóm này giúp tăng cường năng lượng, giảm stress… Khi uống vitamin nhóm này nên uống vào buổi sáng, trước bữa ăn là tốt nhất, giúp tăng cường năng lượng vào ngày mới.
Vitamin C: Vitamin C nên được uống vào cùng bữa ăn sẽ hấp thu tốt nhất. Do vitamin C chỉ tồn tại trong máu vài giờ nên không sử dụng toàn bộ liều uống vào một thời điểm mà nên chia nhỏ liều tương ứng với các bữa ăn trong ngày. Trường hợp người bị đau dạ dày thì nên uống vitamin C sau bữa ăn. Không nên uống vitamin C quá muộn vào buổi tối, vì vitamin C có tính kích thích cao, gây khó ngủ.
Vitamin tổng hợp: Sau bữa ăn sáng hoặc trưa là thời gian thích hợp để uống vitamin nhóm B, C và vitamin tổng hợp. Hàm lượng chất béo trong bữa ăn sẽ giúp các vitamin và vi chất dinh dưỡng tan trong chất béo được cơ thể hấp thu một cách tốt nhất. Vitamin tổng hợp cũng có thể giúp gia tăng năng lượng để bắt đầu một ngày mới.
Các vitamin tan trong dầu như A, D, K, E: Nên uống trong bữa ăn vì lượng chất béo có trong bữa ăn sẽ hòa tan các chất này, giúp cơ thể hấp thu tối đa.
Calci: Nên uống calci vào buổi sáng (sau bữa ăn sáng khoảng 1 giờ) hoặc buổi trưa với nhiều nước, giúp chúng ta có cơ hội tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời (da tổng hợp vitamin D cho cơ thể), giúp hấp thu calci hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, khi bổ sung calci, cần sự vận động của cơ thể để lượng calci đưa vào có thời gian kịp chuyển vào đích là khung xương. Việc dùng calci vào buổi chiều hoặc tối có thể làm calci tích tụ lại, hình thành canxi oxalate dễ tăng nguy cơ gây sỏi thận, sỏi tiết niệu. Không nên bổ sung quá nhiều calci trong một lần mà nên chia làm nhiều lần trong ngày.
Sắt: Sắt hấp thu tốt nhất khi dạ dày rỗng (lúc đói). Vì vậy, nên uống viên sắt trước bữa ăn 30 phút. Vitamin C có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn, do vậy có thể uống nước cam để tăng hấp thu chất sắt vào cơ thể. Cần tránh các thức uống gây kích thích như trà, cà phê, nước giải khát có gas vì chúng cản trở quá trình hấp thụ của sắt. Không uống sắt cùng với canxi vì các khoáng chất này cản trở sự hấp thụ lẫn nhau trong cơ thể, nên bổ sung vào những thời điểm khác nhau trong ngày.
Nguồn:Sức khỏe và đời sống