Omega-3 là một nhóm acid béo rất cần thiết cho sự phát triển trí não, thị giác. Ngoài ra còn giúp tăng khả năng miễn dịch và giảm nguy cơ phát triển dị ứng của trẻ…

1. Các acid béo omega-3 tác động thế nào đến sự phát triển của trẻ?

Các acid béo không bão hòa đa chuỗi dài (LCPUFA), đặc biệt là các acid thuộc họ n-3, trong đó acid eicosapentaenoic (EPA) và acid docosahexaenoic (DHA) có liên quan tới chuyển hóa và các chức năng sinh lý trong quá trình trao đổi chất và sức khỏe của con người, đặc biệt đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển và chức năng của não và mắt

LCPUFA rất quan trọng trong thời kỳ mang thai và giai đoạn đầu của thời thơ ấu. Sự thiếu hụt và mất cân bằng LCPUFAs (n-6 và n-3) có tương quan thuận với sự suy giảm khả năng nhận thức và hành vi của trẻ.

Vai trò của omega-3 với sự phát triển của trẻ em - Ảnh 1.                                        Omega-3 có nhiều vai trò đối với sự phát triển của trẻ em

Theo đó, tình trạng dinh dưỡng của DHA trong thời kỳ mang thai và cho con bú có vai trò quan trọng đối với sự phát triển trí não và thị giác của trẻ. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng nồng độ DHA trong huyết tương cao của người mẹ, đặc biệt là trong sữa mẹ, có liên quan trực tiếp đến sự tăng trưởng và phát triển tốt hơn của não và hệ thống thị giác ở trẻ em.

Trẻ em 9 và 12 tháng tuổi được bổ sung dầu cá (nguồn EPA và DHA tự nhiên) giúp tăng khả năng chú ý trong một bài kiểm tra chơi tự do. Trẻ 4 tuổi khỏe mạnh, được bổ sung 400mg/ngày DHA trong 4 tháng, được đánh giá trong một nghiên cứu mù đôi, đối chứng với giả dược, ngẫu nhiên. Phân tích hồi quy cho thấy mối liên hệ tích cực đáng kể giữa nồng độ DHA trong máu và bài kiểm tra khả năng nghe hiểu và thu nhận từ vựng.

Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng để xác định ảnh hưởng của dầu giàu EPA và dầu giàu DHA ở trẻ em từ 7 đến 12 tuổi bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cho thấy: DHA có liên quan đến việc cải thiện khả năng thuyết trình và hành vi chống đối. Hơn nữa, mức EPA và tổng số n-3 LCPUFA tăng lên có liên quan đến việc giảm lo lắng/nhút nhát. Theo đó, việc bổ sung n-3 LCPUFA có liên quan đến việc cải thiện khả năng đọc viết và hành vi của trẻ ADHD.

Mức độ trưởng thành của thị lực được đánh giá ở trẻ em từ 6 – 12 tháng tuổi cho thấy: Những trẻ được nuôi bằng thức ăn trẻ em được làm giàu LCPUFA n-3 có thị giác phát triển hơn so với nhóm đối chứng. Điều này cho thấy rằng lượng DHA cung cấp cho quá trình trưởng thành về thị giác không chỉ quan trọng trong giai đoạn sơ sinh mà còn cần thiết cho đến một năm sau sinh…

2. Các vai trò cụ thể của omega-3 với sự phát triển của trẻ

Từ các nghiên cứu trên, thì vai trò cụ thể của omega-3 đối với trẻ được tóm lại như sau:

Tăng cường chức năng của não bộ

Omega-3 là một thành phần quan trọng trong cấu trúc màng tế bào thần kinh, tạo ra độ nhạy của các tế bào thần kinh, giúp truyền thông tin nhanh và chính xác hơn. Acid béo omega-3 giúp cho việc hình thành các nơ-ron thần kinh, vận chuyển glucose, dưỡng chất chính giúp cho quá trình hoạt động của não.

Omega-3 hỗ trợ sự phát triển trí não của trẻ. Khi được cung cấp đủ omega-3, trẻ sẽ có kỹ năng phối hợp tay chân và mắt, kỹ năng tiếp xúc xã hội, khả năng tập trung và chỉ số IQ cao hơn.

Top 6 thực phẩm giàu chất omega-3 giúp cho bé phát triển trí não                                                Bổ sung omega-3 cho trẻ qua thực phẩm mỗi ngày

Giúp phát triển thị lực

– Omega-3 có tác dụng làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng của mắt – đây là một trong các nguyên nhân chính gây ra mù và tổn thương mắt vĩnh viễn. Việc bổ sung đầy đủ omega-3 cũng làm giảm tối đa tình trạng khô mắt bằng cách tăng lượng nước mắt cho những người thường xuyên gặp phải tình trạng này.

– Trẻ có đôi mắt khỏe mạnh hơn và chống lại tác hại từ ánh xanh trong quá trình học tập, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tật khúc xạ.

Ngoài ra, khi được bổ sung đầy đủ, các lợi ích khác của omega-3 mang lại cho trẻ có thể kể đến:

  • Ngủ ngon giấc hơn.
  • Tăng tính tập trung và giảm tăng động, giảm hành vi bạo lực ở trẻ rối loạn tâm thần.
  • Giảm các triệu chứng của hội chứng rối loạn chuyển hóa.
  • Tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.
  • Giảm hen suyễn và các bệnh liên quan đến dị ứng.

  Nguồn: Sức khỏe và đời sống