Vi chất dinh dưỡng (VCDD) là các chất mà cơ thể chúng ta chỉ cần với một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.
Những vi chất chủ yếu
Theo ThS. Trịnh Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các vi chất dinh dưỡng tham gia vào việc xây dựng nên các tế bào, các mô, vào các hoạt động hô hấp, chuyển hóa, bài tiết của tế bào, xây dựng nên hệ thống miễn dịch của cơ thể, tham gia vào nhiều cơ chế hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, duy trì sự cân bằng của hệ thống nội môi, giúp phục hồi các tế bào, các mô tổn thương, là thành phần chủ yếu để tạo ra các hoóc-môn, các dịch tiêu hóa… Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.
Có khoảng 90 các vi chất dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể, bao gồm các vitamin tan trong nước như: nhóm B, C; các vitamin tan trong chất béo như: A, D, E, K và các chất khoáng sắt, kẽm, iode, đồng, mangan, magiê…
Vitamin A: cần cho sự tăng trưởng, giúp sáng mắt, tăng cường hệ thống miễn dịch giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng. Khi thiếu vitamin A sẽ gây quáng gà, khô mắt, loét giác mạc gây mù lòa, chậm tăng trưởng, dễ bị các bệnh nhiễm trùng như: viêm hô hấp, tiêu chảy, nhiễm trùng da.
Sắt: chất quan trọng tham gia vào quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của bộ não cho nên khi trẻ bị thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt làm giảm phát triển thể chất, trí tuệ, giảm sức đề kháng của cơ thể đối với nhiễm trùng và giảm khả năng hoạt động thể lực. Sắt có nhiều trong gan, mề gà, lòng đỏ trứng gà, tim heo, mộc nhĩ, nấm hương.
Kẽm: thành phần của hơn 300 enzyme tham gia các hoạt động của cơ thể: tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, tăng cảm giác ngon miệng, tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Khi thiếu kẽm sẽ làm cho trẻ bị biếng ăn, dễ bị nhiễm trùng. Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm: sò, củ cải, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà.
Iod: chất cần thiết để tuyến giáp tổng hợp hoóc-môn giáp, giúp cho sự tăng trưởng của cơ thể, sự hình thành và phát triển của não. Trẻ thiếu iod từ trong bào thai sẽ bị tổn thương não nặng nề như đần độn và bị các khuyết tật thần kinh khác. Trẻ thiếu iod ở giai đoạn não phát triển nhanh, đặc biệt là dưới 2 tuổi, cũng gây hậu quả nặng nề. Trẻ em tuổi học đường nếu bị thiếu iod sẽ giảm chỉ số thông minh, thành tích học tập giảm.
Vitamin C: chất có tác dụng giúp cho cơ thể chống oxy hóa rất tốt, nó tham gia vào nhiều hoạt động sống quan trọng của cơ thể như quá trình hình thành collagen, kích thích ruột non hấp thụ sắt. Nếu thiếu vitamin C sẽ dẫn đến hiện tượng sưng nướu răng, dễ chảy máu, dễ mắc bệnh, trẻ mệt mỏi khi hoạt động. Vitamin C có nhiều trong: cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau cải, rau muống, rau ngót, cà chua…
Vitamin D và canxi: có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển xương và răng. Thiếu vitamin D và canxi sẽ làm cho trẻ chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm, nhất là mồ hôi đầu. Canxi có nhiều trong: tôm, cua, trai, ốc. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc tiếp xúc với ánh nắng và các thực phẩm như: dầu cá, trứng, gan.
Vitamin nhóm B: có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng, tạo máu và hỗ trợ hệ thần kinh khỏe mạnh. Khi thiếu vitamin nhóm B sẽ dẫn đến phù, da tay chân nóng và dễ viêm, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, tinh thần không phấn chấn. Vitamin nhóm B có nhiều trong gạo lứt, các loại đậu, thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, sữa, pho mát.
Nguồn cung cấp vi chất dinh dưỡng
Có 3 giải pháp chính để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Giải pháp ngắn hạn (bổ sung trực tiếp các vi chất dinh dưỡng như uống vitamin A, viên sắt, dầu I-ốt…). Giải pháp trung hạn (tăng cường vi chất vào thực phẩm); Giải pháp dài hạn (đa dạng hóa bữa ăn, cải thiện toàn diện chất lượng bữa ăn của người dân).
Vi chất dinh dưỡng được bổ sung trực tiếp, từ nguồn tổng hợp. Đây được coi là giải pháp ngắn hạn, khi mà tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng còn phổ biến hoặc trầm trọng, các vi chất dinh dưỡng được tổng hợp thành các chế phẩm để sử dụng bổ sung trực tiếp, như viên nang vitamin A liều cao để phòng chống thiếu vitamin A, điều trị khô mắt; viên sắt phòng chống thiếu máu dinh dưỡng; dầu i-ốt để điều trị thiếu i-ốt, bướu cổ…
Vi chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm được tăng cường thêm vi chất.Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là cho một lượng nhất định một hoặc một số loại vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm nào đó mà được nhiều người ăn nhất, tiêu thụ thường xuyên. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm giúp dự phòng thiếu vi chất dinh dưỡng.
Tăng cường vi chất dinh dưỡng cho các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để bổ sung vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Nếu tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng là phổ biến trong cộng đồng, việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết này được thực hiện bằng cách tăng cường những vi chất này vào các thực phẩm thiết yếu.
Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đã được áp dụng ở nhiều nước từ đầu thế kỷ 20. Ngày 28 tháng 01 năm 2016, Chính phủ Việt nam đã ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định về vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường vào thực phẩm, cũng như những thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Đây là nỗ lực của chính phủ Việt nam và các cơ quan chuyên môn nhằm cải thiện cơ bản tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, mang lại sức khỏe cho cộng đồng.
Những thực phẩm giàu vi chất
Vi chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm tự nhiên là biện pháp lâu dài và cơ bản, có tính bền vững cao là cải thiện chất lượng bữa ăn của người dân, sao cho khẩu phần ăn cung cấp đầy đủ, cân đối nhu cầu về mặt dinh dưỡng, trong đó có các vi cất dinh dưỡng. Vi chất dinh dưỡng sẽ được lấy từ khẩu phần ăn đa dạng, có nhiều loại thực phẩm giàu vi chất, căn cứ vào nguồn gốc thực phẩm, ta có thể chia ra loại có nguồn gốc thực vật và loại có nguồn gốc động vật.
Nguồn thực vật: Beta-caroten (tiền chất của Vitamin A) có nhiều trong rau, quả có màu vàng, đỏ (như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…) và các loại rau có lá xanh sẫm (như rau muống, rau ngót, cải bó xôi, xúp lơ xanh…), trong các loại rau màu xanh sẫm còn có nhiều chất sắt và vitamin C. Hàm lượng vitamin C cao sẽ giúp cho việc hấp thu sắt tốt hơn.
Các loại quả khác giàu vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho trẻ như bưởi, táo, lê… đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc…), đậu xanh nảy mầm cũng nhiều kẽm và dễ hấp thu. Hàm lượng I-ốt có trong 100 gam của các loại thực phẩm nguồn thực vật như sau: Tảo bẹ (Laminaria) 200mcg; Tảo tía (khô): 1800mcg; rau chân vịt: 164mcg; rau cần 160mcg; cải thảo: 9.8mcg; rau cải xoong 45mcg; khoai tây 4,5mcg;
Nguồn động vật: Vitamin A có nhiều trong các loại gan động vật, lòng đỏ trứng, thịt… ví dụ: trong 100 gam thịt gà có 120 mcg vitamin A; trong 100 gam lợn có 6000 mcg vitamin A; trong 100 gam cá trê có 93 mcg vitamin A; trong 100 gam lòng đỏ trứng gà có 960 mcg vitamin A…); Các loại thịt có màu đỏ có nhiều chất sắt, Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá…
Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. Hàm lượng I-ốt có trong 100 gam của các loại thực phẩm nguồn động vật như sau: cá biển, cua biển: 80mcg; trứng gà: 9.7 mcg; bầu dục 36,7mcg. Ngoài ra chúng ta cũng cần biết rằng trong 100g muối biển tự nhiên có chứa 2mcg i-ốt; 100g muối ăn có chứa 7600mcg i-ốt; 100g nước mắm có chứa 950mcg i-ốt.
Nguồn: Sức khỏe và đời sống