
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về vắc xin cúm, bao gồm cơ chế hoạt động, lợi ích của vắc xin, ai nên và không nên tiêm phòng, các loại vắc xin phổ biến cũng như các lưu ý khác khi tiêm phòng cúm.
1. Vắc xin cúm là gì?
Cúm mùa là một bệnh đường hô hấp do virus cúm gây ra. Bệnh thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày và đa phần người bệnh đều bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên, trong những trường hợp trở nặng, cúm mùa có thể gây ra các biến chứng nặng, thậm chí là tử vong.
Theo ước tính mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US-CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác y tế toàn cầu, có từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong hàng năm liên quan đến cúm mùa.
Vắc xin cúm (hay vaccine cúm) là loại vắc xin giúp bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập và tấn công của các chủng virus cúm. Vắc xin cúm hoạt động bằng cách kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra kháng thể đặc hiệu. Khi virus cúm xâm nhập vào cơ thể, các kháng thể này sẽ nhận diện và tiêu diệt virus, giúp ngăn ngừa bạn mắc bệnh cúm hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Vacxin cúm
2. Tại sao cần tiêm phòng cúm?
Tiêm vắc xin cúm mang lại nhiều lợi ích quan trọng, không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần bảo vệ cộng đồng. Dưới đây là các lợi ích cụ thể của việc tiêm vắc xin cúm:
- Giảm nguy cơ mắc bệnh cúm: Theo CDC, tiêm vắc xin cúm là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bản thân khỏi bị bệnh cúm.
- Giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh: Nếu bạn vẫn bị nhiễm cúm sau khi tiêm phòng, các triệu chứng sẽ nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh sẽ ngắn hơn.
- Giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng do cúm: Tiêm vắc xin cúm giúp giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng ở các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai và trẻ em. CDC cho biết, trong giai đoạn 2019-2020, việc tiêm phòng cúm đã ngăn ngừa được khoảng 100.000 ca nhập viện liên quan đến cúm.
- Bảo vệ cộng đồng: Khi bạn bảo vệ bản thân khỏi bệnh cúm thông qua tiêm chủng, bạn cũng đang bảo vệ những người không thể tiêm phòng cúm do dị ứng hoặc do các vấn đề khác.
3. Mức độ hiệu quả của vắc xin cúm
Vắc xin cúm được thiết kế nhằm mục đích bảo vệ bạn chống lại các loại virus cúm phổ biến nhất trong mùa cúm sắp tới. Hiệu quả hoạt động của vắc xin cúm có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như loại virus cúm lưu hành trong mùa, loại vắc xin được sử dụng, độ tuổi và tình trạng sức khỏe của người được tiêm chủng, thời điểm tiêm phòng cúm…
4. Tại sao bác sĩ đề nghị mọi người nên tiêm vắc xin ngừa cúm mỗi năm?
Vắc xin cúm được khuyên nên tiêm ngừa hàng năm vì hai lý do chính:
- Thứ nhất, khả năng bảo vệ miễn dịch của cơ thể giảm dần theo thời gian. Vì vậy việc tiêm vắc xin cúm hàng năm là cần thiết để có được sự bảo vệ tối ưu.
- Thứ hai, virus cúm liên tục thay đổi. Vì vậy thành phần của vắc xin cúm cũng được cập nhật hàng năm dựa trên nghiên cứu dự đoán về các chủng virus cúm phổ biến nhất trong mùa cúm sắp tới.
Đó là lý do tại sao bác sĩ đề nghị mọi người nên tiêm vắc xin ngừa cúm mỗi năm. Thời điểm tốt để chủng ngừa cúm là tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Vắc xin cúm sau khi tiêm phải mất đến khoảng 2 tuần mới phát huy tác dụng và khả năng bảo vệ chống lại virus.
