1. Thực trạng và cách xác định thừa cân- béo phì

Thừa cân-béo phì (TC-BP) là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe, TC-BP gặp cả nam và nữ và các lứa tuổi. Hiện nay, TC-BP ở trẻ em đang là vấn đề thách thức sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.  Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, có khoảng 41 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5-19 tuổi bị TC-BP. Ở Việt Nam, tỷ lệ TC-BP có xu hướng tăng nhanh trong thập kỷ qua, đặt biệt là ở khu vực thành phố. Năm 1996 tỷ lệ trẻ em TC-BP  tại Hà Nội và TP HCM là 12%, sau 13 năm (năm 2009) tỷ lệ này 43%. Kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở TP HCM trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.

Để đánh giá trẻ bị thừa cân-béo phì ngoài việc quan sát hình thể của trẻ thì số đo cân năng và chiều cao cho phép ta nhận định một cách khách quan: (1) Đối với trẻ em từ 0-5 tuổi: trẻ coi là thừa cân khi chỉ số cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao dao động từ  2 độ lệch chuẩn (SD) đến 3< SD.  Trẻ coi là béo phì  khi cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao  ≥ 3 SD. (2). Đối với trẻ em 5-19 tuổi: trẻ được coi là thừa cân khi chỉ số khối cơ thể theo tuổi (BMI-Zscore) từ +1 SD  đến < 2SD.  Trẻ được coi là béo phì khi BMI-Zscore ≥ 2SD.

2. Nguyên nhân

Trẻ bị TC-BP chủ yếu là do dinh dưỡng bất hợp lý và ít hoạt động thể lực. Khẩu phần năng lượng ăn vào vượt quá nhu cầu năng lượng của cơ thể , do đó năng lượng  dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy trong các tổ chức. do đó những trẻ có chế độ ăn giàu chất béo, đậm độ năng lượng cao có liên quan chặt chẽ với gia tăng tỷ lệ TC-BP

Trẻ có cân nặng sơ sinh quá cao, suy dinh dưỡng thấp còi đều có nguy cơ TC-BP – Trẻ ăn nhanh, hay ăn vặt, thích ăn ngọt, uống nước giải khát, thức ăn nhanh (fast food),  ăn nhiều vào buổi tối đặc biệt trước khi đi ngủ,

Yếu tố di truyền: trẻ mang một số gen trong các nhóm gen như nhóm gen kích thích sự ngon miệng,nhóm gen liên quan đến tiêu hao năng lượng, nhóm gen điều hoà chuyển hoá, nhóm gen liên quan đến sự biệt hoá và phát triển tế bào mỡ.  Những trường hợp này thường gặp ở trẻ có bố mẹ bị thừa cân-béo phì.

Ngủ ít cũng được xem như một là một yếu tố nguy cơ cao đối với TC-BP ở trẻ dưới 5 tuổi. Một số tác giả cho rằng hoạt động tiêu mỡ của cơ thể đạt tối đa về đêm và ngủ ít làm giảm tiêu mỡ nói chung.

3. Hậu quả của TC-BP đối với cơ thể

Béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật của nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể như:

Thoái hóa khớp, đau thắt lưng: khi trọng lượng cơ thể tăng thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân làm cho các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh. Hậu quả là gây đau đớn và khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Hệ nội tiết, chuyển hóa: tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric gây bệnh gút,

Rối loạn tiêu hóa: dễ bị sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm do tiêu thụ lượng lớn đường fructose và chất tạo ngọt High fructose corn syrup  (HFCS) có trong nước có ga và các loại thực phẩm đóng hộp. Đường fructose và chất tạo ngọt HFCS đến gan sẽ chuyển hóa một phần thành acid béo gây tình trạng gan nhiễm mỡ

Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ: khi bé bắt đầu đi học, sẽ dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm.

Hệ tim mạch: tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, hẹp tắc động mạch chi.

Hệ hô hấp: giảm thông khí, ngừng thở khi ngủ là một biến chứng rất nguy hiểm.

Mắc bệnh mãn tính khi tuổi trưởng thành: Trẻ TC-BP có thể không có biểu hiện bệnh ở thời điểm hiện tại nhưng khi trưởng thành có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như các bệnh tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ…

4.  Dự phòng TC-BP

 4.1.  Dự phòng cho trẻ 0-5 tuổi

Dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực

Dinh dưỡng hơp lý cho người mẹ trong thời gian có thai: Mức tăng cân hợp lý trong thời gian mang thai của bà mẹ là 10-12 kg. Cân nặng sơ sinh cao (>3500 gram) hoặc thấp (<2500gram) có nguy cơ TC-BP hơn trẻ có cân nặng sơ sinh trong khoảng từ 2500 gram-3500 gram.

Nuôi con bằng sữa mẹ: Cho trẻ bú sớm (trong vòng giờ đầu), bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú kéo dài cho đến khi trẻ được 24 tháng.

Chế độ ăn bổ sung hợp lý: cho trẻ ăn bổ sung đúng thời điểm (khi trẻ tròn 6 tháng), ăn đủ số bữa theo lứa tuổi, khẩu phần ăn cân đối, phối hợp nhiều nhóm thực phẩm (nhóm lương thực, đậu đỗ, sữa/chế phẩm của sữa, thịt/các các loại, trứng các loại, rau các loại, các loại quả,củ quả có màu vàng/đỏ và nhóm dầu mỡ).

Tập thói quen cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc: cha mẹ nên tập cho trẻ ngủ trước 21 giờ. Số giờ ngủ trung bình mỗi ngày tùy từng lứa tuổi: số giờ ngủ trung bình của trẻ sơ sinh, dưới 1 tuổi và từ 1-2 tuổi tương ứng là 14-17 giờ; 12-15 giờ và 11-14 giờ. Trẻ từ 3-5 tuổi là 10-13 giờ.

Tăng cường hoạt động thể lực: Tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ qua các hoạt động như trượt trên cầu trượt, bập bênh, đu quay và các hoạt động ngoài trời ở sân trường, công viên và các khu giải trí khác

Theo dõi tăng trưởng của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng tại gia đình và trường học đẻ phát hiện sớm TC-BP để xử lý kịp thời

Truyền thông và tư vấn dinh dưỡng giúp phát hiện sớm trẻ TC-BPCác nội dung truyền thông là chăm sóc bà mẹ có thai, hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý, hướng dẫn cha mẹ cho trẻ vận động phù hợp theo lứa tuổi, hạn chế thời gian tĩnh tại của trẻ

4.2.   Dự phòng thừa cân, béo phì cho trẻ lứa tuổi học đường (6-19 tuổi)

Chương trình sữa học đườngBổ sung sữa (không đường) vào bữa ăn học đường đã giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và chiều cao ở một số nước. Không sử dụng thức ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu/mỡ

Chương trình bữa ăn học đường: đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng nhằm giúp trẻ phát triển tối ưu về thể chất và tinh thần. Thức ăn dành cho trẻ cần da dạng (đạt 5 trong 8 nhóm thực phẩm), đảm bảo cung cấp đủ nguồn protein động vật và thực vật. Bữa ăn ở trường và ở nhà cần được phân phối hợp lý.

Sử dụng muối i-ốt với một lượng ít dưới 4 gram/ngày. Không nên ăn mặn. Sử dụng nguồn thực phẩm sẳn có ở địa phương cho bữa ăn học đường. Uống nước chín (nước đã đun sôi).

Trẻ cần được ngủ đủ: trung bình 8-10 giờ mỗi ngày.

Cần có sự phối hợp liên ngành

Giải quyết TC-BP là vấn đề của toàn xã hội: trẻ em và thanh thiếu niên chưa nhận thức được nguy cơ và hậu quả của TC-BP. Phòng chống TC-BP  cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình (phụ huynh) với nhà trường với toàn thể xã hội  bao gồm các ngành nghề: truyền thông (tăng sự hiểu biết nhận thức về nguy cơ và hậu quả của TC-BP), sản xuất (công bố chất lượng sản phẩm), kinh doanh (căng tin nhà trường hạn chế hoặc không nên bán những thực phẩm có nguy cơ TC-BP), các cơ quan đoàn thể thuộc chính phủ và phi chính phủ (xây dựng luật, kiểm soát các hoạt động theo qui định).

—–Nguồn: PGS. TS. Cao Thị Thu Hương – Viện Dinh dưỡng Quốc gia—-