Theo chuyên gia, bà bầu chỉ nên tắm bằng vòi hoa sen chứ không nên sử dụng bồn tắm bởi việc ngâm mình trong bồn tắm quá lâu, sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập âm đạo, gây viêm nhiễm, ảnh hưởng đến thai nhi
Thông thường thì bà bầu luôn có sự nhạy cảm hơn người không có thai cả về tâm trạng và về thể chất, về sự thay đổi sức khỏe. Những áp lực về mặt thời tiết, áp lực về công việc, về các vấn đề trong cuộc sống đều nhạy cảm hơn so với người bình thường khác.
Theo BS Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y khoa Thái Hà – Hà Nội), trong thời gian mang bầu, do sự thay đổi sinh lý đặc thù khiến thai phụ hay ra mồ hôi, âm đạo tiết dịch nhiều, vì vậy mà nhu cầu tắm gội càng tăng lên. Tuy nhiên, cơ thể người phụ nữ trong thời gian mang thai rất nhạy cảm, vì vậy không nên tắm rửa bất cứ lúc nào trong ngày, đặc biệt là khi vừa ngủ dậy hoặc đêm muộn.
Bà bầu không nên tắm quá lâu hoặc ngâm mình trong nước
Đối với nhiệt độ nước khi tắm, rất khó để có thể xác định được nước quá nóng hoặc quá lạnh là bao nhiêu độ, bởi lẽ điều này tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Thai phụ nên tắm nước ấm, nhiệt độ khoảng từ 34 – 35 độ C. Thời gian tắm hợp lý trong khoảng từ 10-15 phút.
Nếu tắm với nước quá nóng (cao hơn nhiệt độ cơ thể), nhiệt độ cơ thể mẹ tăng khiến nhiệt độ túi ối tăng theo, ảnh hưởng xấu đến việc hô hấp của thai nhi. Nếu tắm với nước quá lạnh, bà bầu dễ bị cảm lạnh, căng thẳng thần kinh, tăng nhịp tim. Đặc biệt, thai phụ có sức đề kháng yếu khi gặp lạnh đột ngột có nguy cơ các mạch máu bị co lại, cản trở sự lưu thông máu ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.
Ngoài ra, nhiều thai phụ thường nghĩ rằng, bầu bí mệt mỏi nên tắm là thời gian thoải mái nhất, vì vậy nhiều người có thói quen tắm quá lâu hoặc ngâm mình trong nước. Điều này hoàn toàn không tốt cho cả mẹ và con.
Vì khi mang thai, đặc biệt là càng về cuối thai kỳ, cổ tử cung dần ngắn lại, do đó mà sức đề kháng của âm đạo với vi khuẩn giảm sút, dẫn đến dễ viêm nhiễm, nhất là khi thai phụ ngâm mình trong nước lại càng tạo điều kiện cho vi khuẩn từ nước bẩn thâm nhập vào tử cung, gây viêm nhiễm cho cả mẹ lẫn con.
Ngoài ra, thai phụ nên tránh ngồi xổm hoặc đứng quá lâu. Điều này có thể ảnh hưởng tới phần tử cung phía dưới. Bên cạnh đó, nếu lạm dụng các loại sữa tắm và dung dịch có chất tẩy mạnh sẽ làm thay đổi môi trường âm đạo, từ đó, tạo điều kiện cho các loại nấm sinh sôi, gây nguy hại đến thai nhi trong bụng.
Các lưu ý bà bầu khi tắm
Những bà mẹ mang thai được bác sĩ khuyến cáo không nên ngồi xổm, hoặc đứng quá lâu, động tác gội đầu sẽ có thể ảnh hưởng tới phần tử cung phía dưới nếu bạn ngồi xuống.
Nếu có thể, hãy ra hàng gội đầu trong giai đoạn mang thai, nhất là khi bụng đã to quá cỡ, hoặc bạn có thể gội ở nhà nhưng nhờ ai đó gội giúp trong lúc bạn nằm. Nhiệt độ nước gội đầu cũng không nên quá nóng hoặc quá lạnh.
Ngoài ra, lúc mang thai mệt mỏi, nhiều bà bầu thích thú với thời điểm được đi tắm bởi cơ thể được thư giãn, thoải mái và xua tan mệt mỏi. Tuy nhiên, không gian phòng tắm chật hẹp, lại thêm nhiệt độ nước khiến các mao mạch giãn nở, lượng máu lên não không đủ, dễ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Bạn nên tắm trong thời gian càng ngắn càng tốt, tối đa là 15 phút.
Các bác sỹ khuyên bà bầu chỉ nên tắm bằng vòi hoa sen chứ không nên sử dụng bồn tắm bởi việc ngâm mình trong bồn tắm quá lâu, sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập âm đạo, gây viêm nhiễm, ảnh hưởng đến thai nhi và nguy cơ sinh non.
Bên cạnh đó, mẹ bầu tuyệt đối nên nhớ không nên tắm sau khi ăn no. Bởi lúc này, da bụng đang căng việc tắm luôn có thể khiến cách mạch máu trong cơ thể bị giãn nở, máu dồn xuống hạ thể. Lúc này hệ tiêu hóa không được cung cấp đủ oxy hoạt động, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và cơ thể hấp thụ chất.
Nguồn: Sức khỏe và đời sống