Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng hàng ngày là một trong những vấn đề cần được quan tâm. Trong đó, một số loại thực phẩm có thể không an toàn cho trẻ ở từng giai đoạn phát triển, bố mẹ nên tránh.
Trẻ nhỏ thường vẫn chưa nhận biết được loại thực phẩm nào nên hoặc không nên nạp vào cơ thể, chúng sẽ tò mò và muốn ăn tất cả những gì nhìn thấy, trừ khi chúng từng bị dị ứng với loại thực phẩm nào đó. Vậy nên, bố mẹ cần đảm nhiệm vai trò chọn lọc thực phẩm để giúp trẻ luôn khỏe mạnh.
Một số lưu ý chung về chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ mà bố mẹ cần nắm như:
- Dưới 2 tuổi, không cho trẻ uống sữa ít béo hoặc các loại đường bổ sung.
- Từ 2 tuổi trở lên, chỉ cho phép lượng đường bổ sung chiếm tối đa 10% trên tổng lượng calo được nạp vào cơ thể trẻ.
- Ở mọi lứa tuổi, hãy cẩn thận với các loại thực phẩm lớn, dính, cứng,… để tránh nguy cơ nghẹt thở ở trẻ.
Dưới đây là những loại thực phẩm có thể không an toàn cho trẻ ở từng độ tuổi mà bố mẹ nên tránh:
1/ Thực phẩm nên tránh: giai đoạn 12 – 24 tháng tuổi
Sữa ít béo
Hầu hết trẻ mới biết đi (giai đoạn từ 12 – 24 tháng tuổi) cần chất béo và hàm lượng calo có trong sữa tươi nguyên chất để tăng trưởng và phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Các loại sữa ít béo có thể sẽ không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ ở giai đoạn này, vì vậy phụ huynh nên tránh (Trừ trường hợp trẻ có nguy cơ béo phì, bác sĩ khuyên nên cho trẻ uống sữa ít béo để không khiến tình trạng nghiêm trọng hơn).
Đường bổ sung
Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, trẻ dưới 2 tuổi hoàn toàn không nên thêm các loại đường bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của mình.
Bạn nên kiểm tra kỹ thông tin dinh dưỡng được in trên bao bì đóng gói trước khi cho trẻ sử dụng, tránh các loại thực phẩm có hàm lượng “đường bổ sung” từ 1g trở lên.
Thực phẩm chưa xử lý tiệt trùng
Không nên cho trẻ nhỏ (Dù ở bất kì độ tuổi nào) sử dụng các loại thực phẩm chưa được tiệt trùng như: nước ép trái cây, sữa thô và các sản phẩm từ sữa thô. Các loại thực phẩm này có thể chứa vi khuẩn gây hại và ký sinh trùng – nguyên nhân dẫn đến một số bệnh nghiêm trọng hoặc thậm chí là tử vong ở trẻ.
Thực phẩm chứa nhiều natri
Natri là một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu, được nạp vào cơ thể chủ yếu dưới dạng muối. Tuy nhiên, việc hấp thụ quá nhiều Natri có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ nhỏ.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ (USDA) và Bộ Y tế & Dịch vụ Con người Hoa Kỳ (DHHS), trẻ em trong giai đoạn 12 – 24 tháng tuổi không nên tiêu thụ quá 1200mg Natri mỗi ngày. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên kiểm tra kỹ thông tin dinh dưỡng in trên bao bì trước khi mua các loại thực phẩm đóng hộp, đông lạnh và đóng gói.
Rau củ sống
Bạn nên cho trẻ ăn các loại rau củ như: cà rốt, cần tây, bông cải xanh,… đã được nấu chín thay vì nạp vào cơ thể dưới dạng thô. Đồng thời, thức ăn nên được cắt thành từng miếng nhỏ – chiều rộng có kích thước tối đa 1.25cm – trước khi dùng để tránh nguy cơ mắc nghẹn ở trẻ nhỏ.
Hạt và quả hạch
Hãy chắc chắn rằng bạn đã loại bỏ toàn bộ hạt trước khi cho trẻ ăn các loại trái cây tươi như: dưa hấu, đào, mận, anh đào,…. Đồng thời, không nên cho trẻ ăn các loại hạt sấy chẳng hạn như: hạt hướng dương, hạt bí ngô. Các loại hạt nhỏ sẽ không khiến trẻ bị nghẹn nhưng có thể mắc vào đường thở của trẻ và gây nhiễm trùng.
Bơ làm từ hạt
Bơ đậu phộng và các loại bơ làm từ hạt khác có thể là một nguy cơ gây nghẹt thở cho trẻ nhỏ. Thay vì cho trẻ ăn bằng thìa, bạn nên phết mỏng chúng lên bánh mì/bánh quy, hoặc tráng mỏng với nước/sốt táo/sữa chua và cho trẻ sử dụng.
Thức ăn dính, cứng, giòn
Thực phẩm cứng như: các loại hạt, bỏng ngô, bánh quy giòn và thực phẩm dính như: kẹo cao su, kẹo dẻo, trái cây khô đều có thể mắc lại trong cổ họng của trẻ và gây nghẹt thở. Bạn nên tránh cho trẻ ở giai đoạn từ 12 – 24 tháng tuổi ăn các loại thực phẩm này.
2/ Thực phẩm nên tránh: giai đoạn 2 – 5 tuổi
Đường bổ sung
Các hướng dẫn dinh dưỡng khuyến cáo rằng, trẻ em từ 2 tuổi trở lên thường chỉ nên nạp thêm vào cơ thể tối đa 24g đường bổ sung mỗi ngày (Không vượt quá 10% tổng lượng calo nạp vào cơ thể), tương đương với 2 thanh granola điển hình hoặc sữa chua có hương vị phục vụ một lần.
Thực phẩm chứa nhiều natri
Theo các hướng dẫn dinh dưỡng, lượng Natri nạp vào cơ thể trẻ mỗi ngày sẽ thay đổi theo từng độ tuổi:
- Trẻ 2 – 3 tuổi: Không quá 1200mg Natri mỗi ngày
- Trẻ từ 4 tuổi trở lên: Không quá 1500mg Natri mỗi ngày
Bố mẹ nên tính toán và kiểm soát lượng Natri hấp thụ trong mức cho phép để không gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
Các loại thực phẩm có nguy cơ gây nghẹt thở
Ở giai đoạn này, mặc dù trẻ đã giỏi hơn trong việc ăn uống nhưng vẫn có thể bị nghẹn bởi một số loại thức ăn. Bạn nên tiếp tục tránh các loại thực phẩm có nguy cơ gây nghẹt thở đã được liệt kê ở phần trên. Đồng thời, tránh những việc có thể khiến trẻ mất tập trung trong lúc ăn như: cho trẻ nằm, đi lại, xem ti vi hoặc nói chuyện với trẻ.
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp thêm những thông tin hữu ích cho quý bậc phụ huynh.
Trẻ nhỏ cần được quan tâm về chế độ dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển toàn diện. Ngoài việc thiết kế bữa ăn một cách khoa học và nạp đủ dưỡng chất, các bậc phụ huynh nên lưu ý đến một số loại thực phẩm cần tránh ở từng độ tuổi của trẻ để đảm bảo an toàn.
Trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ như trẻ bị dị ứng với thực phẩm, bạn nên nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ hoặc các chuyên gia để tìm ra giải pháp phù họp và tốt nhất cho trẻ.
Nguồn: Avakids