Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, vitamin và các chất khoáng. Hậu quả của suy dinh dưỡng là sự suy giảm hoạt động của các cơ quan, làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể trẻ. Đặc biệt là trẻ em độ tuổi từ 6 – 24 tháng tuổi, đây là giai đoạn trẻ có nhu cầu dinh dưỡng cao.
Ngoài ra, suy dinh dưỡng ở trẻ em có thể gây chậm tốc độ tăng trưởng và hạn chế khả năng hoạt động thể chất. Thậm chí ở mức độ nặng hơn, suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển não bộ, trí thông minh, khả năng giao tiếp. Trẻ bị suy dinh dưỡng có sức đề kháng kém và dễ tăng khả năng mắc nhiều bệnh lý ở trẻ.
Tình trạng trẻ suy dinh dưỡng có thể phân loại thành 3 thể:
- Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân : Do tình trạng thiếu dinh dưỡng dẫn đến cân nặng thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới tính, được xác định khi cân nặng thấp hơn với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới (dưới 2 tuổi). Thể nhẹ cân phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài cũng như tình trạng thiếu dinh dưỡng tại thời điểm đánh giá.
- Suy dinh dưỡng thể thấp còi : Do tình trạng chậm tăng trưởng kéo dài dẫn đến trẻ không đạt được chiều cao cần có của một đứa trẻ cùng tuổi, được xác định khi chiều cao thấp hơn với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới tính (-2SD). Thể thấp còi phản ánh tình trạng chậm phát triển mạn tính, có thể bắt đầu sớm từ giai đoạn bào thai do mẹ bị thiếu dinh dưỡng khi mang thai.
- Suy dinh dưỡng thể gầy còm : Khi chỉ tiêu cân nặng theo chiều cao của trẻ tụt xuống thấp đáng kể so với trị số chuẩn, được xác định khi cân nặng theo chiều cao thấp hơn với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới (dưới 2 tuổi). Thể gầy còm phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính do tình trạng không lên cân hoặc đang sụt cân.
DẤU HIỆU TRẺ SUY DINH DƯỠNG:
Dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng có thể bao gồm: cân nặng không tăng trưởng như mức dự kiến hoặc tụt giảm từ 5 – 10 % hoặc hơn so với trọng lượng cơ thể của trẻ trong vòng 3 – 6 tháng.
Mẹ có thể nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng thông qua một số biểu hiện bên ngoài dễ nhìn thấy như:
- Trẻ thường xuyên quấy khóc.
- Ít vui chơi và kém linh hoạt, cơ thể chậm chạp hơn hẳn bạn cùng lứa.
- Các bắp thịt tay chân mềm nhão, bụng to dần.
- Chậm phát triển vận động như chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi đứng. Đây là dấu hiệu mẹ có thể nhận thấy rõ ràng nhất.
NHỮNG NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GẶP DẪN TỚI SUY DINH DƯỠNG Ở TRẺ:
1. Cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con
Cụ thể: trẻ không được bú sữa mẹ, cho ăn dặm không đúng cách, không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ, cho trẻ ăn quá ít bữa trong ngày, kiêng khem quá mức khi trẻ bị bệnh.
2. Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ quá sớm hoặc quá muộn
Cha mẹ cho bé ăn bổ sung sớm hoặc muộn quá, thành phần thức ăn không đảm bảo chất lượng.
Cho bé ăn bổ sung sớm dẫn tới trẻ ít bú sữa mẹ làm tăng nguy cơ mắc bệnh do thiếu chất dinh dưỡng và các yếu tố miễn dịch có trong sữa mẹ. Ngoài ra còn khiến trẻ dễ bị dị ứng vì chưa tiêu hóa được các protein có trong thức ăn. Cho trẻ ăn bổ sung quá muộn khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng do từ 06 tháng tuổi sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
3. Cai sữa sớm
Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất hoàn hảo, cai sữa quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ. Tốt nhất là cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi. Các mẹ chú ý không được cai sữa cho bé khi chưa cho bé ăn bổ sung, khi trẻ bị ốm hay vào ngày hè nóng bức.
4. Trẻ bị nhiễm khuẩn và ký sinh trùng đường ruột (giun, sán,…)
Khi trẻ bị bệnh thường biếng ăn. Các kháng sinh được dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng vừa có tác động diệt vi trùng gây bệnh, vừa diệt bớt các vi khuẩn có lợi cho cơ thể tại đường ruột làm giảm quá trình lên men thức ăn, dẫn đến biếng ăn và kém hấp thu.
5. Trẻ ốm đau kéo dài
Chủ yếu do mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa nhiều lần, do biến chứng của các bệnh viêm phổi, sởi, lỵ…
6. Do thể tạng dị tật
Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, dị tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh.
7. Trẻ biếng ăn
– Chế biến thức ăn không hợp lứa tuổi và khẩu vị của trẻ.
– Chăm sóc trẻ không phù hợp, gây căng thẳng dẫn đến biếng ăn tâm lý.
8. Nguyên nhân khác
– Dịch vụ chăm sóc y tế kém.
– Tập quán lạc hậu trong nuôi dưỡng.
– Chăm sóc kém khoa học.
ĐỂ PHÒNG SUY DINH DƯỠNG Ở TRẺ CÁC BẬC CHA MẸ CẦN LƯU Ý NHỮNG VẤN ĐỀ SAU:
– Khi mang thai cần có chế độ dinh dưỡng hợp lí để đạt mức tǎng cân 10-12 kg trong thời gian có thai. Khám thai ít nhất 3 lần, tiêm đủ 2 mũi phòng uốn ván.
– Cho trẻ bú sớm trong nửa giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 18-24 tháng.
– Cho trẻ ǎn bổ sung (ǎn dặm) từ tháng thứ 5. Tǎng thêm chất béo (dầu, mỡ, lạc, vừng) ,ǎn nhiều bữa.
– Thực hiện phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng: Phụ nữ có thai uống viên sắt/ acid folic hàng ngày. Trẻ em 6-36 tháng uống vitamin A liều cao 2 lần/nǎm. Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp). Thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Chǎm sóc và nuôi dưỡng hợp lý trẻ bị bệnh.
– Phát triển ô dinh dưỡng trong hệ sinh thái VAC (vườn, ao, chuồng) để có thêm thực phẩm cải thiện bữa ǎn gia đình. Chú ý nuôi gà, vịt để trứng, trồng rau ngót, đu đủ, gấc.
– Phấn đấu bữa ǎn nào cũng có đủ 4 món cân đối. Ngoài cơm (cung cấp nǎng lượng), cần có đủ 3 món nữa là: rau quả (cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ); đậu phụ, vừng lạc, cá, thịt, trứng (cung cấp chất đạm, béo) và canh cung cấp nước và các chất dinh dưỡng bổ sung giúp ǎn ngon miệng.
– Thực hiện vệ sinh môi trường, dùng nguồn nước sạch, tẩy giun theo định kỳ, rửa tay trước khi ǎn và sau khi đi đại tiểu tiện. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm, thức ǎn không là nguồn gây bệnh.
– Thực hiện gia đình hạnh phúc, có nếp sống vǎn hoá, nǎng động, lành mạnh. Có biểu đồ tǎng trưởng để theo dõi sức khoẻ của trẻ. Không có trẻ suy dinh dưỡng, không sinh con thứ ba.