Bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bế trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, khi trẻ ở giai đoạn 6 tháng đến lúc biết đi thường hay la hét hoặc khóc khi một người lạ đến gần. Điều đó hoàn toàn bình thường với một đứa trẻ. Vtfoods sẽ thông tin cho ba mẹ về những mốc thời gian trẻ sợ người lạ và cách giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi đó.

Sợ người lạ là một giai đoạn cảm xúc bình thường xảy ra khi trẻ trở nên hoảng sợ nếu gặp một người (không quen biết hay người thân lâu ngày không gặp) đến gần hoặc cố gắng bế.
Điều đó tương tự như rối loạn lo âu chia ly ở trẻ, nghĩa là khi trẻ đột nhiên nhận ra mình bị rời xa khỏi ba mẹ hoặc người chăm sóc mà trẻ yêu quý, trẻ sẽ căng thẳng và sợ hãi.

Khi được 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu nhận biết được một người không quen. Giai đoạn 8 hoặc 9 tháng tuổi, trẻ trở nên sợ người lạ nhiều hơn, lo lắng, quấy khóc và chỉ đeo bám người chăm sóc. Tuy nhiên, mỗi trẻ sẽ có khoảng thời gian và mức độ khó chịu khác nhau.
Đối với trẻ mới biết đi, ở độ tuổi từ 12 đến 24 tháng cũng vẫn còn nỗi lo sợ một người khác ngoài cha mẹ. Ngay cả khi người đó là họ hàng hoặc người mà trẻ yêu thích trước đây.
Sợ người lạ ở trẻ sẽ dần mất đi theo thời gian. Trẻ không còn sợ người lạ cho đến khoảng 2 tuổi hoặc một số đứa trẻ khác thì sớm hơn. Các chuyên gia vẫn không thể giải thích lý do vì sao nỗi sợ ấy ở trẻ biến mất, tuy nhiên đó là dấu hiệu của sự phát triển bình thường ở trẻ nhỏ.

Cũng như nhiều giai đoạn phát triển cảm xúc ở trẻ em, ba mẹ cần kiên nhẫn chờ đợi thời gian đó qua đi. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng có thể thực hiện một số phương pháp sau để cả trẻ và ba mẹ vượt qua giai đoạn này:
Kiên nhẫn chờ đợi. Với một số trẻ nhỏ, giai đoạn này sẽ kết thúc nhanh chóng. Mặc dù đối với nhiều trẻ khác, nỗi sợ người lạ kéo dài khá nhiều tháng. Nhưng sớm hay muộn, trẻ sẽ nhận ra rằng trẻ không cần phải lựa chọn giữa ba mẹ với những người khác, và nỗi lo lắng khi gặp người lạ của trẻ sẽ qua đi.
Ba mẹ giúp người thân trong gia đình an tâm. Hãy cho những người thân – người mà trẻ thường không thích đến gần – biết rằng trẻ đang trải qua một số cảm giác lo lắng với người lạ, điều này cũng sẽ giúp họ không có cảm giác tổn thương. Nói với họ rằng đó không phải là chuyện liên quan đến tình cảm của trẻ – trẻ chỉ đang trải qua giai đoạn lo lắng và cần thời gian để phát triển nhận thức.

Hướng dẫn gia đình và bạn bè cách thuyết phục trẻ. Ví dụ, thay vì người lạ cố gắng bế trẻ ngay lập tức, hãy gợi ý họ nên nói chuyện nhẹ nhàng với trẻ hoặc dỗ dành trẻ bằng một món đồ chơi.
Ba mẹ hãy trấn an trẻ. Nếu trẻ có vẻ sợ hãi, khó chịu hoặc cảnh giác khi người khác đến gần, hãy cố gắng hết sức để trấn an trẻ rằng mọi thứ đều ổn.
Ba mẹ luôn thể hiện tình cảm để trẻ được an tâm
Luôn để trẻ trong vòng tay ba mẹ. Khi trẻ thấy lo lắng, điều quan trọng là ba mẹ phải thể hiện cho trẻ biết rằng “con an toàn” bằng cách ôm hoặc ở gần trẻ. Và hãy chắc chắn ba mẹ dành nhiều tình cảm cho trẻ để trẻ có thể làm quen với người lạ.
Hãy giao trẻ cho một người khác trông nom. Ba mẹ hãy để trẻ với bà hoặc người trông trẻ, để trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người và ba mẹ cũng thoải mái rời đi. Hãy để người trông nom đến gặp trẻ trước khi ba mẹ cần đi ra ngoài, để trẻ có thời gian chơi cùng người lạ. Lúc này ba mẹ sẽ rời đi dễ dàng.
Phương pháp “phòng thủ”. Ba mẹ nói cho trẻ biết ai sẽ đến thăm để trẻ cảm thấy yên tâm và không phải bất ngờ. Bên cạnh đó hãy giải thích với người đến thăm rằng trẻ thường sợ người lạ và sẽ thoải mái hơn khi được tiếp cận từ từ.
Ba mẹ đừng ép buộc trẻ. Nếu trẻ nhỏ muốn được bế, ba mẹ hãy tiếp tục bế, đừng thúc giục đến gặp và chào hỏi người lạ. Nhấn mạnh với mọi người rằng trẻ rất sợ người lạ và ba mẹ hãy quan tâm với sự lo lắng của trẻ, tránh làm chúng sợ hãi, dần dần trẻ sẽ trở nên thân quen với mọi người.
Sợ người lạ là nỗi sợ hãi đầu tiên của trẻ nhỏ, tuy nhiên, trẻ sẽ bước qua giai đoạn này nhanh chóng. Hy vọng những lời khuyên từ AVAKids sẽ giúp ba mẹ và đứa con yêu của mình vượt qua cột mốc phát triển cảm xúc rất bình thường này.
Nguồn: Avakids