Mất ngủ do nhiều nguyên nhân và sự thiếu hụt một số loại vitamin cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mất ngủ ảnh hưởng đến 30% dân số toàn cầu, trong đó có 10% là mạn tính. Dự báo con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong xã hội công nghiệp hóa, áp lực công việc, stress… ngày càng nhiều.
Một số thói quen như tiêu thụ quá nhiều đường, chất béo, caffein, sử dụng điện thoại di động, thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, cũng góp phần gây ra chứng mất ngủ.
Giấc ngủ là thời điểm để cơ thể phục hồi và sửa chữa. Cơ chế hồi phục này xảy ra do cường độ trao đổi chất của cơ thể giảm (nhịp tim, nhiệt độ cơ thể…) trong khi ngủ. Nếu bị mất ngủ, ngủ không đủ thời gian, chúng ta đã vô tình rút ngắn tuổi thọ của mình. Đồng thời, làm tăng nguy cơ khởi phát sớm tất cả các bệnh liên quan đến tuổi tác, như suy giảm thính giác hoặc thị lực, viêm xương khớp, bệnh lý tim mạch, ung thư, bệnh Alzheimer và Parkinson…
Để đối phó với tình trạng mất ngủ nhiều người tìm đến thuốc, nhưng thường xuyên sử dụng thuốc ngủ để điều trị chứng mất ngủ không được khuyến nghị vì thuốc có nhiều tác dụng phụ và có thể thể dẫn đến lệ thuộc, nghiện.
Thay đổi thói quen sinh hoạt, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh được khuyến nghị là những bước trị liệu đầu tiên cho chứng mất ngủ. Thiếu hụt vi chất cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Việc bổ sung vi chất khi bị thiếu hụt có thể hỗ trợ quá trình quản lý giấc ngủ. Tuy nhiên, luôn thảo luận và tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi bắt đầu bất kỳ chế độ bổ sung nào.
Dưới đây là 5 loại vitamin có lợi cho giấc ngủ ngon:
– Vitamin D: Vitamin D được biết là có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của xương, điều chỉnh tâm trạng, hỗ trợ chức năng miễn dịch và giúp kiểm soát tình trạng viêm nhiễm.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, vitamin D cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ thông qua việc tác động lên hệ thần kinh và tạo ra melatonin. Melatonin là một hormone quan trọng trong việc điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ của cơ thể. Thiếu hụt vitamin D có thể liên quan đến vấn đề giấc ngủ, và bổ sung lượng vitamin D thiếu hụt có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Ngoài việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cơ thể nhận được vitamin D thông qua thực phẩm như cá béo và dầu cá, lòng đỏ trứng, cũng như thực phẩm tăng cường vi chất như sữa và nước trái cây.
– Vitamin E: Là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, vitamin E giúp duy trì chức năng tế bào, hỗ trợ sức khỏe miễn dịch. Khả năng chống oxy hóa của vitamin E còn có thể giúp cải thiện giấc ngủ và các vấn đề sức khỏe liên quan đến giấc ngủ.
– Vitamin C: Là loại vitamin quan trọng đối với sức khỏe miễn dịch, sức khỏe tim mạch và cần thiết để cơ thể tạo ra collagen quan trọng đối với xương, răng và da khỏe mạnh. Nghiên cứu cũng cho thấy, lượng vitamin C hấp thụ thấp có liên quan đến thời lượng giấc ngủ ngắn hơn. Nồng độ vitamin C đo được trong máu thấp hơn cũng có liên quan đến nguy cơ rối loạn giấc ngủ cao hơn.
– Vitamin B6: Vitamin B6 tham gia vào nhiều chức năng trong cơ thể, hỗ trợ sức khỏe miễn dịch, phát triển nhận thức. Vitamin B6 cũng là một thành phần quan trọng trong việc tổng hợp serotonin và melatonin. Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh có vai trò đối với giấc ngủ và tạo cảm giác thư giãn.
– Vitamin B12: Rất quan trọng đối với chức năng của não, hỗ trợ sức khỏe tim mạch bao gồm hình thành tế bào hồng cầu và hỗ trợ hoạt động của DNA. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng loại vitamin này có liên quan đến việc điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ bằng cách giúp duy trì nhịp sinh học đồng bộ.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vitamin không phải là lời giải đáp duy nhất cho chứng mất ngủ. Mất ngủ cũng có thể do nhiều nguyên nhân phức tạp và không chỉ liên quan đến việc thiếu một loại vitamin cụ thể. Chất lượng giấc ngủ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả lối sống lành mạnh, môi trường ngủ thoải mái, quản lý căng thẳng và lo âu, thiết lập thói quen ngủ đúng giờ… Nếu có vấn đề về giấc ngủ, nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Nguồn: Sức khỏe và đời sống