Tiểu đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa đường, gây tăng đường huyết mãn tính kèm theo rối loạn chuyển hóa lipid, protid và điện giải. Hậu quả về lâu dài của các rối loạn chuyển hóa này là tổn thương các vi mạch, các mạch máu nhỏ và mạch máu lớn dẫn tới các biến chứng như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, xuất huyết võng mạc, bệnh mạch vành dẫn đến suy tim, tổn thương thận, thậm chí có thể tử vong. Trong điều trị tiểu đường, kết hợp vận động hợp lý và chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất.
Đối với bệnh nhân tiểu đường, trong dinh dưỡng cần đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dưỡng chất để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn, đảm bảo người bệnh đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân, phòng ngừa các biến chứng.
Ảnh minh họa: Internet
Các nguyên tắc trong dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường:
– Đảm bảo đủ chất đạm, béo, bột đường, vitamin, muối khoáng với số lượng hợp lý;
– Không làm tăng đường máu sau bữa ăn và hạ đường máu lúc xa bữa ăn;
– Hạn chế được các rối loạn chuyển hóa;
– Duy trì được cân nặng ở mức hợp lý;
– Duy trì được hoạt động thể lực hàng ngày;
– Phù hợp với tập quán ăn uống của gia đình và địa phương;
– Đơn giản, tiện lợi và không quá đắt tiền.
Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng
Bệnh nhân tiểu đường cũng có nhu cầu năng lượng gần giống như người bình thường. Tuy nhiên nhu cầu này tăng hay giảm còn phụ thuộc vào tuổi, loại lao động, thể trạng béo hay gầy…
Nhu cầu Glucid (chất bột đường): trong bệnh tiểu đường, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn, do vậy điều cơ bản trong chế độ ăn của bệnh nhân là phải hạn chế glucid; tuy nhiên cũng không được giảm quá nhiều, đảm bảo cơ thể vẫn có thể duy trì được cân nặng và hoạt động bình thường. Tỷ lệ năng lượng do glucid nên chiếm khoảng 50 – 60% (người bình thường là 65%) tổng số năng lượng của khẩu phần. Nên sử dụng các glucid phức hợp gồm gạo, khoai củ (không nên quá 70g/bữa chính). Hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao như đường, bánh, mứt, kẹo, nước ngọt và các loại trái cây ngọt nhiều như mít khô, vải khô, nhãn khô…
Cần quan tâm đến chỉ số đường huyết để lựa chọn thực phẩm cho bệnh nhân tiểu đường. Chỉ số đường huyết là chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn các thực phẩm giàu chất bột đường. Các loại glucid phức hợp mà thành phần có nhiều tinh bột thường chỉ số đường huyết sẽ cao. Các loại thực phẩm có nhiều chất xơ, đặc biệt là loại chất xơ hòa tan có chỉ số đường huyết thấp.
Protein (chất đạm): lượng protein nên đạt 0,8g/kg ngày đối với người lớn. Khẩu phần ăn có quá nhiều đạm sẽ không tốt cho thận, tuy nhiên lượng đạm trong khẩu phần cần cao hơn so với người bình thường và nên đạt 15% – 20% năng lượng khẩu phần (người bình thường là 12% – 14%). Nên sử dụng phối hợp cả protein động vật (thịt, cá, trứng, sữa…) với protein thực vật (vừng lạc, đậu, đỗ…) vừa rẻ tiền mà các loại đậu, lạc có chỉ số đường huyết thấp hơn.
Lipid (chất béo): Khẩu phần của người đái tháo đường rất cần chất béo để cung cấp năng lượng bù lại phần năng lượng do glucid cung cấp bị giảm đi. Nhưng cũng chỉ nên ăn vừa phải và giảm mỡ động vật là các chất béo chưa bão hòa vì dễ gây xơ vữa động mạch. Nên ăn các axit béo bão hòa có trong các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương… Tỷ lệ năng lượng do chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần (người bình thường là 18 – 20%) và không nên vượt quá 30%.
Vitamin và các yếu tố vi lượng: Cần đảm bảo đủ các vitamin và yếu tố vi lượng (sắt, iốt…), các thành phần này thường có trong rau quả tươi.
Chất xơ: nên ăn những thức ăn có nhiều chất xơ, nhất là chất xơ hòa tan. Chất xơ có nhiều trong gạo không xay xát kỹ, rau, củ, quả,… có tác dụng chống táo bón, giảm tăng đường huyết và cholesterol sau bữa ăn.
Phân bố bữa ăn hợp lý.
Để đảm bảo không bị tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết xa bữa ăn, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, nên chia 5 – 6 lần ăn/ngày, mỗi bữa cách nhau khoảng 3 giờ đồng hồ. Có thể phân bố các bữa ăn dựa trên tổng số năng lượng của cả ngày như sau, bữa ăn sáng 20%, bữa phụ buổi sáng 10%, bữa trưa 30%, bữa phụ xế 10%, bữa tối 20%, bữa phụ buổi tối 10% năng lượng cả ngày.
Nói chung việc điều trị tiểu đường cần phải kiên nhẫn, kéo dài suốt đời, nên có kế hoạch ăn uống hợp lý, vận động rèn luyện thể lực đúng mức và theo dõi đường huyết thường xuyên để duy trì nồng độ đường trong máu ở mức cho phép, phòng ngừa hiệu quả các biến chứng của bệnh.
Nguồn: BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM