1. Cha mẹ hãy làm gương cho con
Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên và quan trọng nhất ảnh hưởng đến tương lai của con. Những điều ta dạy và những gì ta hành động đều có thể được con trẻ bắt chước. Vì thế, nếu muôn day cho con lòng biết ơn, cha mẹ cần trở thành một tấm gương tốt và thường xuyên thể hiện lòng biết ơn. Hãy nói lời cảm ơn đến vợ/chồng dù là những điều nhỏ nhặt nhất trước mặt con: cảm ơn những bữa cơm vợ nấu, cảm ơn món quà mà chồng tặng. Hãy kể cho con nghe những câu chuyện cũ về công ơn sinh thành, dưỡng dục ông bà nội, ngoại để con biết quý trọng gia đình. Hãy thể hiện sự biết ơn với mọi người và mọi điều xung quanh: những cô nhân viên quét rác luôn giữ cho đường phố sạch đẹp, những chú công an luôn bảo vệ an ninh thành phố…
2. Cha mẹ hãy khuyến khích và cho phép trẻ giúp đỡ mọi người
Hãy đề nghị con giúp đỡ một ít công việc nhà phù hợp với độ tuổi. Điều này khiến con hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ và biết cách nỗ lực để đạt được những thứ mình muốn. Cho con tham gia những hoạt động ngoại khóa, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Những trải nghiệm này gieo trong đứa trẻ hạt mầm của sự tử tế, tốt bụng, giúp con biết sẻ chia với mọi người và quý trọng cuộc sống mà mình đang có.
3. Cha mẹ hãy dạy con nói lời cảm ơn
Cảm ơn và xin lỗi là câu nói mà cha mẹ cần phải dạy trẻ khi còn nhỏ. Dạy trẻ luôn phải cảm ơn người khác khi họ mang lại cho ta một điều tốt đẹp. “Cảm ơn mẹ đã đưa con đi học”, “cảm ơn bố vì món đồ chơi”, “cảm ơn bạn bè vì đã cùng chơi với mình”. Lời cảm ơn sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành thói quen biết ơn với mọi người, mọi điều xung quanh. Cảm ơn còn thể hiện bằng hành động. Hãy khuyến khích trẻ tự tay viết thiệp, tặng hoa cho thầy cô giáo nhân Ngày nhà giáo, tặng quà để cảm ơn bạn bè… Những hành động cụ thể sẽ thể hiện sự chân thành, giúp trẻ thêm quý trọng tình cảm của mọi người xung quanh.
Hy vọng bài chia sẻ trên đây sẽ phần nào giúp các bậc phụ huynh áp dụng để dạy con trở thành những người sống đạo đức và có giá trị trong xã hội.