Biết được các dấu hiệu phát triển bình thường của trẻ sơ sinh sẽ giúp cha mẹ yên tâm hơn trong quá trình chăm sóc con, đặc biệt là trở nên nhạy bén hơn khi trẻ gặp vấn đề gì đó bất thường. Cha mẹ đọc tiếp nội dung sau đây nhé.
10 dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh phát triển bình thường và khỏe mạnh
1. Dấu hiệu trẻ sơ sinh phát triển bình thường là trẻ bú ngoan, đủ cữ
Trẻ sơ sinh được sinh ra với bản năng bú mút bẩm sinh nên khi cảm nhận có thứ gì ở gần miệng, trẻ sẽ muốn ngậm và mút. Đây là dấu hiệu cho thấy sự phát triển bình thường ở trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó, khi trẻ được cho bú đúng cách, mẹ cũng sẽ nghe thấy tiếng con nuốt sữa ực ực, chứng tỏ con đang bú tốt và bú khỏe. Bé cũng thường muốn đi ngủ sau khi bú no.
2. Trẻ vui vẻ khi được bên cạnh cha mẹ
Trong quá trình mang thai, chắc hẳn mẹ cũng thường xuyên nói chuy6en với con(thai nhi), mặc dù con chưa thể đáp lại mẹ. Tưởng chừng là con sẽ không nghe thấy, nhưng trên thực tế là con hoàn toàn có thể nghe và làm quen với giọng của mẹ. Đây là cách khởi tạo sự kết nối đặc biệt giữa hai mẹ con.
Sau khi chào đời, nhờ cảm giác quen thuộc về âm thanh mà con nghe từ khi con trong bụng mẹ, theo bản năng con sẽ cảm thấy an toàn và nín khóc khi nghe thấy giọng nói của ba mẹ. Đây là dấu hiệu thường thấy ở hầu hết trẻ sơ sinh phát triển bình thường.
3. Cha mẹ thay tã cho bé từ 5 – 12 lần mỗi ngày
Kể cả khi bé bú mẹ hay bú sữa công thức, nếu trẻ bú ngoan, đủ cữ cộng với thể trạng khỏe mạnh, con có thể sẽ đi tiểu và đi ngoài thường xuyên. Trung bình cha mẹ sẽ thay cho con từ 5 – 12 miếng tã mỗi ngày.
Theo Trang thông tin về sức khỏe trẻ em – Kids Health, nếu trong những tuần đầu sau sinh, trẻ có bú nhưng đi tiểu ít và không tăng cân, có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị mất nước trong cơ thể. Ngoài ra, nước tiểu càng sẫm màu càng cho thấy tình trạng mất nước ở trẻ sơ sinh.
4. Trẻ sơ sinh đạt chiều cao và cân nặng tiêu chuẩn là dấu hiệu trẻ phát triển bình thường
Thông thường, trong 6 tháng đầu sau sinh, mỗi tuần trẻ sẽ tăng từ 140 – 200g cân nặng và tăng từ 1.2 – 2.5cm chiều cao. Bên cạnh đó, để biết chính xác chiều cao và cân nặng của trẻ, mẹ có thể xem và đối chiếu với “bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 0-18 tuổi chuẩn WHO”.
Nếu trẻ luôn đạt đủ tiêu chuẩn về chiều cao và cân nặng thì đó chính là dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh phát triển và khỏe mạnh.
5. Con nhìn cha mẹ và mỉm cười
Con sẽ biết phản hồi lại cha mẹ bằng cách nhìn cha mẹ và mỉm cười khi con được khoảng 2 – 3 tháng tuổi. Ngoài ra, con sẽ biết cười thành tiếng khúc khích khi con được 4 tháng- 5 tháng tuổi.
Bên cạnh đó khi cha mẹ thấy con bắt đầu bập bẹ phát ra những âm thanh ‘ê a’ thì đó chính là dấu hiệu cho thấy con đã sẵn sàng giao tiếp. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh phát triển bình thường về mặt tiếp nhận âm thanh và biết phản ứng lại bằng cách cười và bập bẹ vài tiếng.
6. Trẻ tích cực quan sát mọi thứ xung quanh
Khi mới chào đời, thị lực của trẻ sẽ không tốt lắm, nên mọi thứ xung quanh với con dường như là rất mờ và nhạt màu. Trong khoảng vài tháng đầu, trẻ sẽ chỉ có thể nhìn thấy trong phạm vi từ 20 – 30 cm (tương đương 8 – 12 inch).
Theo Viện Nhãn khoa Hoa Kỳ- AAO cho biết, trẻ sơ sinh có thể nhìn thấy màu sắc nhưng chúng không thể phân biệt được sự khác biệt giữa các màu sắc cho đến khi con được khoảng 3 tháng tuổi.
Về thị lực của trẻ, các chuyên gia đánh dấu các cột mốc bao gồm:
- Trẻ sau khi sinh – 1 tháng: Trẻ có thể nhìn tập trung vào một chỗ, thích nhìn những nơi sáng màu và nằm cách xa khoảng 90cm (tương đương 3 feet).
- Trẻ 2 – 4 tháng: Trẻ có thể nhìn tập trung và theo dõi các vật thể chuyển động
- Trẻ 5 – 8 tháng: Trẻ đoán được vị trí và độ xa của các vật thể nên bắt đầu muốn tới để nắm bắt. Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu tập bò.
- Trẻ 9 – 12 tháng: Khả năng quan sát, theo dõi, phán đoán, cầm nắm, phân biệt màu sắc, độ xa độ gần được hoàn thiện hơn. Đây là thời điểm con sẵn sàng tập đi.
7. Con phản ứng với âm thanh
Như đã đề cập ở trên, trẻ có thể nghe được giọng của mẹ trước khi con được sinh ra. Theo bản năng này mà con có thể phân biệt được sự khác nhau giữa giọng của mẹ và các tiếng ồn xung quanh.
Nếu mẹ nhận thấy con có phản ứng với âm thanh từ tivi, từ đồ chơi, từ môi trường xung quanh thì đây cũng là một trong các dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh phát triển bình thường và khỏe mạnh. Mẹ dễ dàng nhận thấy nhất là khi con phản ứng khi đột ngột nghe thấy một âm thanh phát lên.
8. Bé đi phân mềm và thành khuôn
Bên cạnh việc theo dõi các dấu hiệu phát triển bên ngoài thì việc theo dõi tần suất đi ngoài, màu và mùi phân của trẻ sơ sinh cũng có thể là dấu hiệu cho mẹ biết là con có đang phát triển bình thường hay không.
Đối với trẻ bình thường, con có thể đi ngoài từ 2 lần hoặc 1 lần mỗi ngày, tùy thể trạng của từng bé. Thay vì tập trung vào số lần đi ngoài của con, mẹ hãy theo dõi quan sát màu phân, độ mềm hay mùi phân của con. Nếu trẻ có vấn đề sức khỏe, phân của con thường lỏng hoặc cứng, nặng mùi khó chịu, thậm chí là có màu lạ.
9. Con ngủ ngon giấc
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, nếu bé ngủ ngon giấc thì chính là điều kiện tốt để con phát triển. Nếu trẻ sơ sinh ngủ ngon từ 12 – 17 giờ mỗi ngày, điều đó cho thấy trẻ đang khỏe mạnh mẹ nhé.
Thời gian ngủ của trẻ tứ 1-12 tháng tuồi:
- Trẻ sơ sinh 15-20 ngày tuổi: Thời gian ngủ từ 15-16 tiếng/ ngày.
- Trẻ sơ sinh 1-3 tháng: Thời gian ngủ của trẻ khoảng 14-17 tiếng/ ngày.
- Trẻ từ 3-6 tháng tuổi: Thời gian ngủ của trẻ khoảng 16 tiếng/ ngày.
- Trẻ từ 6-12 tháng tuổi: Trẻ sẽ ngủ đến 12 giờ vào ban đêm
- Bé 12 tháng tuổi trở lên: Thời gian ngủ khoảng 12-15 tiếng/ ngày.
10. Bé phát triển vận động tốt theo từng giai đoạn
Cuối cùng, dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh phát triển bình thường, khỏe mạnh là con đạt được những cột mốc phát triển về thể chất và vận động.
Cột mốc phát triển thể chất và vận động của trẻ từ 1-12 tháng:
- Trẻ 1 tháng: Bé biết nhìn theo ba mẹ, kéo căng người, co duỗi các ngón tay và ngón chân.
- Trẻ 2 tháng: Bé đã có thể cười và nhận ra những vật thể xung quanh khi chúng xuất hiện trước mặt bé.
- Trẻ 3 tháng: Con có thể biết lật, tập ngẩng đầu, tập trườn tới lấy đồ.
- Trẻ 4 tháng: Con bắt đầu biết hóng chuyện, chú ý lắng nghe tốt hơn.
- Trẻ 5 tháng: Con cố gắng vươn tay đến các món đồ chơi
- Trẻ 6 tháng: Cột mốc con bắt đầu được tập ăn dặm.
- Trẻ 7 tháng: Con tập nói bập bẹ và nói vài tiếng đơn giản
- Trẻ 8 tháng: Trẻ phát ra âm thanh rõ hơn, giọng mạnh hơn,
- Trẻ 9 tháng: Con hiểu và phản ứng lại khi nghe ai đó gọi tên con
- Trẻ 10 tháng: Con tập đứng vững tại chỗ
- Trẻ 11 tháng: Khả năng cầm nắm đồ vật tốt hơn, con biết các vị trí để đồ chơi. Trẻ cũng có thể bắt đầu tập đi.
- Trẻ 12 tháng: Con có thể nói được hai âm và lặp lại các từ mà ba mẹ dạy.
Câu hỏi thường gặp
Những dấu hiệu nào cho thấy trẻ sơ sinh đang nhận đủ dinh dưỡng và phát triển bình thường?
Một số dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh đang nhận được đủ chất dinh dưỡng và phát triển bình thường bao gồm:
- Trẻ đi tiểu và đi ngoài bình thường, phân đi ra mềm, không có mùi quá khó chịu
- Con ngủ đủ giấc
- Con luôn đạt chiều cao và cân nặng tiêu chuẩn theo độ tuổi
- Con bú mẹ đúng cách và nhiều dấu hiệu khác.
Làm sao để nhận biết dấu hiệu trẻ sơ sinh phát triển không bình thường, chậm phát triển?
Theo thông tin từ Trang thông tin Y tế và Sức khỏe – Better Health Channel cho biết, các dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh phát triển không bình thường bao gồm:
- Các ngón tay luôn nắm chặt thành nắm đấm
- Con không giật mình và ít khi phản ứng khi nghe thấy âm thanh
- Trẻ quấy khóc và cha mẹ gặp khó khăn trong việc dỗ nín
- Trẻ không hoạt bát, ít phản ứng với mọi thứ xung quanh
- Cơ thể của con trông có vẻ yếu, cơ thể mềm, không chắc như các bé cùng tháng tuổi.
Trong những trường hợp này, cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi khoa để được thăm khám và chẩn đoán.
Kết luận:
Nội dung trên là 10 dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh phát triển bình thường và khỏe mạnh. Bên cạnh đó, nếu cha mẹ nhận thấy con có bất kỳ dấu hiệu phát triển không bình thường nào hoặc gặp phải một số bệnh lý về da, về hô hấp, về tiêu hóa… cha mẹ cần chủ động đưa con đi khám càng sớm càng tốt.
Hy vọng nội dung trên đã giúp cha mẹ hiểu và biết cách nhận diện một đứa trẻ phát triển bình thường và khỏe mạnh.
Các bài viết của Vtfoods chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: MarryBaby