Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý khi hàm lượng hemoglobin (Hb) trong máu xuống thấp hơn bình thường do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết trong quá trình tạo máu. Thiếu máu dinh dưỡng thường gặp nhất là thiếu máu do thiếu sắt, nhất là trong thời kỳ bà mẹ mang thai.

Sắt có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể. Cơ thể con người sử dụng sắt để tạo ra hemoglobin, một loại protein gắn sắt có trong tế bào hồng cầu có nhiệm vụ mang oxy tới các mô. Trong khi mang thai, nhu cầu vi chất sắt của bà mẹ tăng so với khi không mang thai để tạo hồng cầu giúp cung cấp oxy cho cả mẹ và thai nhi. Sắt cùng với các dưỡng chất khác cần thiết cho sự phát triển não bộ của thai nhi.

Thiếu máu do thiếu sắt trong thai kỳ là một vấn đề phổ biến, liên quan đến gánh nặng bệnh tật đáng kể nhưng có khả năng phòng ngừa được. Nó có liên quan đến tình trạng sức khỏe kém ở mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh. Thiếu máu trong thai kỳ có thể dẫn đến việc tăng tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và nguy cơ băng huyết sau sinh; Thiếu máu sau sinh có thể dẫn đến trầm cảm, mệt mỏi, suy giảm nhận thức ở bà mẹ. 

Đối với trẻ sơ sinh, bà mẹ thiếu máu thiếu sắt trong thời kỳ mang thai là một yếu tố nguy cơ của sinh non, nhẹ cân và trẻ sơ sinh nhỏ so với tuổi thai. Nó cũng liên quan đến tăng tỷ lệ tử vong chu sinh và sơ sinh cũng như ảnh hưởng đến quá trình phát triển hệ thần kinh của trẻ. Trẻ sinh ra từ bà mẹ thiếu sắt trong thời kỳ mang thai sẽ có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt sau sinh do thiếu sắt dự trữ trong gan được truyền từ mẹ sang con qua con đường nhau thai. Khi còn trong tử cung của mẹ, cơ thể thai nhi đã bắt đầu tích trữ sắt để sau khi ra đời tạo thành huyết sắc tố. 

Lượng tích trữ sắt của trẻ sơ sinh đủ tháng bình thường là 250 – 300mg, lượng này đủ cho nhu cầu tạo huyết sắc tố trong 3 – 4 tháng sau sinh. Nếu lượng sắt tích trữ không đủ (do sinh non, sinh đôi, do mẹ thiếu sắt trong thai kỳ) đều dễ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ sơ sinh. Chế độ ăn thiếu sắt trong thai kỳ là phổ biến và có thể gây ra thiếu máu thiếu sắt.

Nguyên nhân thiếu máu và thiếu máu thiếu sắt

Một số nguyên nhân dẫn đến thiếu máu bao gồm nhiễm ký sinh trùng, viêm nhiễm, rối loạn di truyền cấu trúc Hemoglobin…, hoặc thiếu hụt các chất dinh dưỡng như protein, vitamin và khoáng chất, bao gồm sắt, Vitamin A, B12 và folate. Khoảng một nửa nguyên nhân thiếu máu là do thiếu sắt.

Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu sắt của cơ thể tăng cao đáng kể so với bình thường. Thông thường, nhu cầu sắt ở phụ nữ có thai khoảng 1000-1200mg cho người có cân nặng trung bình 55kg, trong đó 350mg liên quan đến sự phát triển của nhau thai và thai nhi, 500mg cần thiết cho sự tăng khối lượng của hồng cầu và 250 mg cho sự mất máu khi sinh.

Thiếu máu thiếu sắt là giai đoạn cuối của tình trạng thiếu sắt. Phụ nữ trước khi mang thai không có đủ lượng sắt dự trữ, hoặc trong khi mang thai không nhận đủ lượng sắt cần thiết do chế độ ăn uống hàng ngày không cung cấp đủ vi chất sắt theo nhu cầu tăng cao của cơ thể, ăn kiêng, mắc một số bệnh lý đường tiêu hóa dẫn đến giảm hấp thu sắt hoặc mất máu do chảy máu, xuất huyết tiêu hóa… sẽ dẫn đến thiếu máu thiếu sắt. 

Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt khi mang thai khác như: khoảng cách giữa hai lần mang thai quá gần nhau; mang đa thai; nôn mửa thường xuyên do ốm nghén; không bổ sung đủ liều lượng sắt cần thiết khi mang thai; có tiền sử cường kinh (chu kỳ kinh nguyệt có máu kinh ra nhiều hơn bình thường) trước khi mang thai; có tiền sử thiếu máu trước khi mang thai.

Tỷ lệ mắc thiếu máu và thiếu máu thiếu sắt

Tỷ lệ mắc thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ rất cao trên toàn thế giới. Ở các nước thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ mắc bệnh lên tới 50%. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ thiếu máu trong thai kỳ hầu như không thay đổi theo thời gian với tỷ lệ 41% năm 2000 giảm xuống chỉ còn 37% vào năm 2019. 

Ở Việt Nam, theo kết quả Tổng Điều tra dinh dưỡng năm 2020 do Viện Dinh dưỡng tiến hành cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai là 25,4%. Tỷ lệ này được xếp ở mức độ trung bình về các vấn đề mang ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ thiếu sắt ở phụ nữ mang thai là 35,4%. Tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ có thai là 12,0%.

Phòng chống thiếu máu thiếu sắt

Chế độ ăn cân đối, đa dạng

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, thể lực và trí tuệ của con người trong suốt chu kỳ vòng đời, đặc biệt là trong thời gian phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai có nhu cầu dinh dưỡng tăng cao cho cả mẹ và cho cả việc hình thành và phát triển thai nhi.

Vi chất sắt có trong nhiều loại thực phẩm và tồn tại ở 2 dạng là sắt heme và sắt không heme. Dạng sắt heme thường có trong các thức ăn có nguồn gốc từ động vật và dễ hấp thu ở ruột. Một số thực phẩm chứa sắt dạng heme như các loại thịt, cá có màu “đỏ”: thịt bò, thịt lợn, cá ngừ,…; thịt có màu “trắng” như thịt gia cầm có ít vi chất sắt hơn. Vi chất sắt còn có nhiều trong các loại nội tạng động vật như gan gà, gan heo, gan bò….

Thực phẩm giàu sắt không heme (non-heme) thường có ở trong các loại rau xanh như rau dền, rau ngót, rau muống hoặc măng tây và các loại ngũ cốc, các loại đậu hạt. Việc hấp thu sắt ở dạng không heme sẽ phụ thuộc vào sự có mặt của một số chất làm tăng hoặc cản trở hấp thụ sắt. Một số thực phẩm ức chế hấp thu sắt như trà, cà phê, các loại thực phẩm có chứa nhiều phytate, tanin, canxi. Thực phẩm làm tăng khả năng hấp thụ vi chất sắt như vitamin C có từ rau quả.

Do vậy, bà mẹ mang thai cần ăn đủ lượng trái cây tươi giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi, táo, đu đủ, chuối,… sẽ giúp hấp thu tốt vi chất sắt từ bữa ăn; hạn chế uống chè hoặc cà phê trong bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn.

Trên thị trường hiện nay có một số loại thực phẩm tăng cường vi chất sắt như nước mắm, xì dầu, bột mỳ, bánh quy, ngũ cốc,… Bà mẹ mang thai có thể lựa chọn các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng phù hợp trong bữa ăn hằng ngày.

Để quá trình tạo máu tốt hơn, phụ nữ mang thai nên lựa chọn thực phẩm giàu folate bao gồm rau lá xanh, mầm lúa mì, các loại hạt, các loại trái cây đặc biệt là cam, dâu tây, dưa hấu, lê…

Một chế độ ăn khoa học cân đối, đa dạng, lành mạnh có đủ năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất thông qua việc tiêu thụ nhiều loại thực phẩm, bao gồm rau xanh, củ quả, thịt, cá, đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây sẽ đảm bảo phòng chống thiếu vi chất sắt và các chất dinh dưỡng khác. 

Số lượng thực phẩm cần ăn trong một ngày của phụ nữ có thai bằng số lượng đơn vị ăn của người mẹ khi chưa mang thai và cộng thêm số lượng cần ăn tăng thêm để đáp ứng nhu cầu tăng thêm cho sự phát triển của thai theo Tháp dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ mang thai và cho con bú như sau:

Các giải pháp phòng chống thiếu máu thiếu sắt cho phụ nữ có thai- Ảnh 1.
Các giải pháp phòng chống thiếu máu thiếu sắt cho phụ nữ có thai- Ảnh 2.Bổ sung viên sắt – acid folic hoặc viên đa vi chất có chứa sắt theo hướng dẫn của cán bộ y tế

 

Việc bổ sung vi chất sắt thông qua tiêu thụ thực phẩm hàng ngày chưa cung cấp đủ nhu cầu sắt khuyến nghị cho phụ nữ mang thai. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo để ngăn ngừa bệnh thiếu máu ở mẹ, nhiễm trùng hậu sản, nhẹ cân và sinh non, phụ nữ mang thai nên bổ sung viên sắt/acid folic từ 30 – 60 mg sắt nguyên tố và 400 mcg acid folic hàng ngày trong suốt thai kỳ theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đặc biệt ở những vùng có tỷ lệ thiếu máu cao trong cộng đồng. Hoặc bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng trong đó có 30mg sắt nguyên tố và 400 mcg acid folic theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Việc bổ sung viên sắt có thể có một số tác dụng phụ tạm thời như lợm giọng, buồn nôn, cồn cào trong bụng, táo bón, đi ngoài phân lỏng, phân đen, vì vậy khi sử dụng viên sắt, phụ nữ mang thai cần uống đủ nước, ăn thêm các thực phẩm giàu chất xơ như rau và hoa quả, trái cây… để dự phòng táo bón. Bên cạnh đó nên uống viên sắt với nước đun sôi để nguội. Không nên uống viên sắt cùng với nước trà, cà phê vì các loại đồ uống này có thể làm giảm hấp thu sắt. Vitamin C làm tăng hấp thu sắt.

Hiện nay các loại thuốc bổ sung sắt cho phụ nữ mang thai thường ở dạng vô cơ hoặc hữu cơ. Dạng sắt hữu có có ưu điểm là dễ hấp thu hơn và ít gây các tác dụng phụ hơn.

Việc bổ sung viên sắt không đúng cách dẫn đến thừa sắt. Tình trạng này nếu xảy ra trong một thời gian dài có thể dẫn đến các triệu chứng của ngộ độc sắt với các biến chứng nguy hiểm như bệnh lý về gan, đái tháo đường… Bên cạnh đó với những phụ nữ mang thai thiếu máu không do thiếu sắt (người mắc một số bệnh như thiếu máu tán huyết, thalassemia, suy tủy hay thiếu máu do nhiễm độc chì…) không được tùy tiện sử dụng các loại thuốc có sắt. Do vậy, việc bổ sung viên sắt cho phụ nữ mang thai cần theo hướng dẫn của các cán bộ y tế để đảm bảo bổ sung đúng và đủ liều lượng, tránh tình trạng sử dụng thiếu hoặc thừa sắt đều có thể dẫn đến những ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm khuẩn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt. Do đó, cần thường xuyên vệ sinh môi trường, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh… Ngoài ra, phụ nữ trong thời gian mang thai cần được theo dõi sức khoẻ và khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Nguồn: Sức khỏe và đời sống