Bổ sung chất sắt cho bé qua đường ăn uống là cách khả thi và dễ thực hiện nhất. Nhưng khi nào và bổ sung ra sao để đạt hiệu quả nhất?
1. Vai trò của sắt đối với sức khỏe bé
Sắt là một khoáng chất đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển; giúp cơ thể của trẻ thực hiện nhiều chức năng khác nhau. Cụ thể hơn, sắt giúp các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể và hỗ trợ khả năng học hỏi của trẻ.
Cơ thể của trẻ cũng cần sắt để tạo ra một số hormone và sản sinh myoglobin để cung cấp oxy cho cơ bắp. Việc bổ sung đủ sắt cho bé giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt; hay thiếu máu do thiếu sắt.
Thiếu máu (Anemia) là tình trạng không có đủ tế bào hồng cầu trong cơ thể; khiến khả năng vận chuyển oxy đi khắp cơ thể của trẻ bị giảm sút. Việc thiếu oxy do anemia khiến bé cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu ớt. Bé cũng có thể bị khó thở, chóng mặt, nhức đầu hoặc nhịp tim không đều.
Trẻ em không nhận đủ chất sắt từ đồ ăn giàu chất sắt hoặc thực phẩm chức năng có nguy cơ cao bị thiếu máu. Như vậy, việc bổ sung sắt cho bé theo khuyến cáo là rất cần thiết để đảm bảo con có sức khỏe tốt nhất.
2. Bổ sung sắt cho bé theo khuyến cáo của WHO
Theo báo cáo từ WHO, tính đến năm 2011, có hơn 300 triệu trẻ em trên toàn cầu bị thiếu máu. Trong đó, nhóm trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có tỷ lệ thiếu máu cao nhất.
CDC Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bổ sung sắt cho trẻ bắt đầu từ 6 tháng tuổi; đặc biệt là với nhóm trẻ sinh non. Vì ở giai đoạn này, sữa mẹ không còn cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho bé; do đó, bé cần được bổ sung thêm từ chế độ dinh dưỡng hoặc thực phẩm chức năng.
Việc thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ em có thể gây suy giảm khả năng phát triển nhận thức; và kỹ năng vận động vì lý do như sau:
- Nồng độ hemoglobin thấp: Một huyết sắt tố giúp các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
- Thiếu hụt protein myoglobin: Ảnh hưởng đến việc di chuyển oxy đến cơ bắp, làm suy giảm khả năng vận động.
WHO khuyến nghị các tổ chức y tế công cộng nên chú trọng bổ sung sắt cho bé từ 6 tháng đến ít nhất 5 tuổi. Đặc biệt là những bé sống ở những nơi có tỷ lệ thiếu máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cao hơn 40%; để tăng nồng độ hemoglobin và cải thiện tình trạng tình trạng thiếu sắt, thiếu máu.
3. Liều lượng bổ sung cho bé theo từng độ tuổi
Để giảm thiểu tình trạng thiếu máu, WHO khuyến cáo bổ sung sắt cho bé như sau:
- Từ 6 đến 23 tháng tuổi: 10–12,5 mg sắt nguyên tố mỗi ngày; trong 3 tháng liên tục mỗi năm. Bổ sung bằng siro hoặc nhỏ giọt.
- Từ 2 tuổi (24 tháng) đến 11 tuổi (59 tháng): 30 mg sắt nguyên tố mỗi ngày; trong 3 tháng liên tục mỗi năm. Bổ sung bằng siro, nhỏ giọt hoặc viên nén.
- Từ 5 tuổi (60 tháng) đến 12 tuổi: 30 – 60mg sắt nguyên tố mỗi ngày; trong 3 tháng liên tục mỗi năm. Bổ sung bằng siro, nhỏ giọt hoặc viên nén.
1mg sắt nguyên tố tương ứng với 5mg sắt (II) sulfat; và 3mg sắt fumarat; và 8,3mg sắt gluconat. Tùy vào từng dòng sản phẩm bổ sung sắt cho bé; ví dụ như dạng siro hay nhỏ giọt hay viên uống; mẹ kiểm tra kỹ liều lượng của các loại sắt để bổ sung đúng cho bé.
(*) Lưu ý rằng, liều lượng bổ sung sắt cho bé nêu trên áp dụng cho những địa phương, vùng miền có tỷ lệ thiếu máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 40% trở lên. Trường hợp mẹ muốn biết liều lượng chính xác; hãy hỏi thêm ý kiến bác sĩ nhi khoa để được giải đáp cụ thể cho trường hợp bé cưng nhà mình.
4. Bổ sung sắt cho bé trong bao lâu là phù hợp?
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo, trẻ sinh đủ tháng dưới 4 tháng tuổi và đang bú sữa mẹ không cần bổ sung thêm sắt. Khi bé được 4 tháng tuổi, trẻ bú mẹ một phần hoặc hoàn toàn nên được bổ sung 1 mg/kg mỗi ngày.
Khi bé đã có dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm; vào khoảng 6 tháng tuổi. Mẹ có thể cho bé bổ sung sắt thông qua chế độ dinh dưỡng và sử dụng thực phẩm chức năng.
Một số khuyến nghị chung từ AAP về việc bổ sung sắt cho bé trong bao lâu đó là:
- Trẻ đủ tháng: Từ 4 tháng tuổi, trẻ bú mẹ một phần hoặc hoàn toàn nên được bổ sung 1 mg/kg mỗi ngày chất sắt qua đường uống cho đến khi con bắt đầu ăn dặm và mẹ có thể bổ sung sắt cho bé bằng chế độ ăn uống.
- Trẻ sinh non: Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bé đã có thể bắt đầu cần bổ sung thêm sắt ngay từ tháng đầu tiên sau sinh. Mẹ cần hỏi thêm ý kiến của bác sĩ để biết được liều lượng chính xác. Nhìn chung, khi bé đến tuổi ăn dặm; mẹ đã có thể cung cấp thêm sắt cho con bằng thực phẩm mà không cần phải bổ sung theo bất kỳ cách đặc thù nào.
5. Ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt, thiếu máu ở trẻ em
Một số gợi ý để mẹ đảm bảo bổ sung sắt cho bé đầy đủ đó là:
5.1 Cung cấp thực phẩm giàu chất sắt
- Lòng đỏ trứng, đậu hủ.
- Cá ngừ, cá mòi, cá hồi đóng hộp.
- Sữa công thức đã bổ sung sắt đúng cách.
- Thịt gia súc, gia cầm (bò, heo, gà tây, gà, gan gà).
- Động vật có vỏ (trai, sò, tôm…). Chỉ cho bé từ 1 tuổi trở lên.
- Đậu sấy khô, bí ngô, khoai lang, bông cải/súp lơ xanh và nấm.
- Các loại rau có màu xanh đậm (rau chân vịt, bông cải xanh, cải xoắn).
- Mật đường đen (có thể pha một chút với bột ngũ cốc dành cho bé từ 10 tháng trở lên ăn).
Các loại ngũ cốc (mầm lúa mì, kê, gạo lức, bánh mì, ngũ cốc bổ sung sắt, diêm mạch, kiều mạch, cám lúa mì, bột gạo, bột bắp).
Riêng với thịt bò, mẹ có thể cho bé ăn thịt bò, chứa rất nhiều sắt và chế biến dễ dàng thành các món ăn ngon cho bé thịt bò và rau hầm; món thịt bê nấu với nước xốt kem chua hoặc với bé trên 2 tuổi; có thể làm thêm món spaghetti bolognese, thịt viên Ý…
Các món ăn từ gà như gà nướng bông cải xanh và đậu hầm cũng là bữa ăn tối tuyệt vời; đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu sắt hàng ngày của bé.
5.2 Đừng lạm dụng sữa
Sữa mẹ không có chứa nhiều chất sắt. Do đó, mẹ tránh ép bé bú sữa để bổ sung sắt cho con. Điều này có thể dẫn đến tình trạng “dư thừa sữa mẹ” (oversupply) hoặc “tình trạng tăng tiết sữa” (hyperlactation).
Hệ quả là bé bị tăng cân quá nhanh, tăng nguy cơ béo phì; bị đau bụng và rối loạn tiêu hóa; thậm chí, bé có thể bị ngạt thở nếu mẹ ép bú sữa quá nhiều.
5.3 Tăng cường hấp thu
So với lượng sắt từ thực vật (non-heme), sắt từ động vật (heme) dễ hấp thu hơn hẳn. Vì vậy, mẹ nên tăng cường các loại thịt, cá trong thực đơn dinh dưỡng cho bé để đảm bảo đủ lượng sắt cần thiết.
Vitamin C sẽ giúp tăng cường khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Vì vậy, bên cạnh những thực phẩm giàu sắt, mẹ cũng nên tăng cường thực phẩm giàu vitamin C. Có thể kể đến như trái cây họ cam quýt; các loại quả mọng cùng táo, chuối, đào, cà chua; và rau củ có màu xanh
Cuối cùng, mẹ cần chú ý đến dấu hiệu thiếu sắt ở trẻ em bao gồm: Chậm tăng cân; bỏ bú, biếng ăn; da dẻ nhợt nhạt; bé càu nhàu, khó chịu. Điều này giúp mẹ phát hiện sớm vấn đề của bé.
Các bài viết của Vtfoods chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: MarryBaby