Biếng ăn là hiện tượng phổ biến ở trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Dù làm đủ mọi nguyên tắc thì vẫn xảy ra tình trạng này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến biếng ăn ở trẻ, có cả những lý do mà chúng ta không can thiệp được. Sau đây Vtfoods cùng bác sĩ Đoàn thị Mai chia sẻ về những sai lầm khi ăn dặm dẫn đến tình trạng biếng ăn của trẻ nhé!
Trẻ biếng ăn.
Bác sĩ Đoàn Thị Mai, sinh năm 1991, tốt nghiệp trường đại học Y Hà Nội năm 2015, là tiến sĩ tại Saint Petersburg State University (Liên bang Nga). Bác sĩ đã có hơn 5 năm kinh nghiệm chuyên khoa nhi. Bác sĩ Mai được rất nhiều người yêu mến vì tư vấn chữa bệnh miễn phí và thăm khám chữa bệnh tận tâm. Ngoài ra bác sĩ Mai còn lập fanpage và kênh youtube để giúp các bậc phụ huynh có kiến thức đúng đắn về chăm sóc sức khỏe trẻ em.
1/ Các loại biếng ăn
Trẻ hay bị biếng ăn sinh lý theo từng giai đoạn. Thông thường trẻ sẽ biếng ăn lúc 3-4 tháng tuổi, 8-10 tháng tuổi, 18-24 tháng tuổi. Đây là những mốc thời gian có thay đổi lớn trong giai đoạn phát triển của trẻ nên dẫn đến biếng ăn kéo dài vài ba tuần. Nếu chúng ta có chuẩn bị và chăm sóc kỹ thì sau đó trẻ sẽ ăn bình thường trở lại, nhưng nếu chăm sóc sai lầm thì tình trạng biếng ăn có thể kéo dài hơn.
Biếng ăn tâm lý xảy ra khi mẹ đi làm lại hay trẻ bắt đầu đi nhà trẻ hoặc khi trẻ có em. Đôi khi cha mẹ đã chăm sóc trẻ rất tốt nhưng trẻ vẫn biếng ăn dù ít hay nhiều. Các mẹ không nên áp lực bản thân quá khi trẻ biếng ăn. Những trường hợp bố mẹ quá lo lắng ép trẻ ăn, quát mắng khiến trẻ sợ hãi khi ăn cũng gây tâm lý sợ ăn, biếng ăn ở trẻ.
Ngoài ra khi trẻ ốm đau, mắc các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa hay mọc răng cũng gây nên tình trạng biếng ăn. Những trường hợp này chỉ là tạm thời, trẻ sẽ ăn uống bình thường lại sau khi hết bệnh.
Nhiều mẹ may mắn khi mình có những sai lầm trong cách cho trẻ ăn mà trẻ vẫn ăn uống bình thường, nhưng đó là số ít. Còn đa số các mẹ đã áp dụng và học hỏi rất nhiều phương pháp mà trẻ vẫn biếng ăn. Mỗi bé có tính cách và những sự phát triển khác nhau nhưng vẫn có một số thói quen phổ biến khiến trẻ biếng ăn.
2/ Một số nguyên nhân/ thói quen khiến trẻ biếng ăn
WHO khuyến cáo không cho con ăn dặm trước 17 tuần tuổi dù vì bất kỳ lý do gì. Một số em bé bị trào ngược có thể ăn dặm thêm một số thức ăn đặc nhưng cần sự thăm khám của bác sĩ.
Trước 17 tuần tuổi (4 tháng) các tuyến tiêu hóa gan mật, dạ dày và đường ruột chưa phát triển hoàn chỉnh. Enzim amilaza hỗ trợ tiêu hóa bột đường, loại enzim này có trong nước bọt, chỉ tiết ra nhiều sau 4 tháng. Các enzim của tuyến tụy để tiêu hóa đồ ăn cũng chỉ tiết ra đều đặn sau 4 tháng. Vì vậy trước 4 tháng mà cho trẻ ăn thì thức ăn vào không được hấp thu, bé dễ bị tiêu chảy hay phân sống, không tiêu hóa được nhiều.
Dù bé chán sữa hay bất kỳ lý do gì cũng không nên cho bé ăn dặm trước 4 tháng tuổi.
Khi bé chán sữa, bé hay thức dậy ban đêm, nhiều mẹ thấy con mất ăn mất ngủ nên lo lắng và cho bé ăn dặm sớm (trước 4 tháng) để cải thiện tình hình nhưng đây là một sai lầm khiến trẻ chỉ ăn tốt được 2-4 tuần sau đó trẻ dễ bị rối loạn đường tiêu hóa. Và sau 6 tháng tuổi những biểu hiện quá tải đường tiêu hóa sẽ diễn ra nhiều hơn. Vì vậy dù bé chán sữa hay bất kỳ lý do gì cũng không nên cho bé ăn dặm trước 4 tháng tuổi. Nếu tình hình chán sữa không cải thiện thì bạn nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ tư vấn.
Ở phương Tây người ta hay cho ăn dặm bằng táo hoặc lê hấp, vì khí hậu lạnh nên họ sử dụng những thực phẩm khác với chúng ta. Ở khí hậu nhiệt đới với sự phong phú của thực phẩm, chúng ta có thể cho trẻ ăn rau xanh, củ quả và bột cháo.
Nếu cho trẻ ăn trái cây thì trẻ quen vị ngọt, về sau trẻ sẽ dần kén ăn. Vì vậy nên cho trẻ ăn cháo loãng, rau củ nghiền bột trước rồi sau đó mới cho ăn trái cây có vị nhạt, trái cây hấp. Bên cạnh nguyên nhân đó, do năng lượng có nhiều nhất trong tinh bột, đạm thịt nên chúng ta cần cho bé ăn cháo để có chất dinh dưỡng.
Việc bế đi ăn rong, xem tivi, chơi đồ chơi khi cho ăn sẽ khiến trẻ không tập trung ăn chủ động, việc ăn thụ động lâu dài làm trẻ dễ bị chán ăn.
Việc bế đi ăn rong, xem tivi, chơi đồ chơi khi cho ăn sẽ khiến trẻ không tập trung ăn chủ động
Một sai lầm phổ biến là cho con bú sữa lúc ngủ.
Vì lúc thức trẻ không tập trung ăn, bạn sợ con đói nên cho ăn sữa khi ngủ. Việc bú sữa thụ động như vậy cũng làm trẻ no nên sau đó lúc thức trẻ sẽ chán ăn. Vòng lặp cứ lặp đi lặp lại. Vì vậy ba mẹ hãy cố gắng cho con ăn lúc thức, tuy sẽ có vài ba tuần con sẽ ăn ít, hay quấy khóc nhưng hãy cố gắng tập thói quen lành mạnh cho con.
Có những ngày trẻ ốm, ba mẹ sẽ bế trẻ đi ăn rong. Nhưng khi khỏi bệnh ba mẹ hãy dừng ngay và tập lại cho bé thói quen ăn chủ động.
Nhiều mẹ cảm thấy tăng số tháng thì tăng lượng ăn, nhưng có những trẻ không tăng, các mẹ không nên ép. Mẹ nên cho con ăn vừa đủ, đừng ép trẻ ăn dặm quá nhiều. Dù con còn thèm cũng nên dừng lại để trẻ vẫn còn thèm ăn tiếp.
Tóm lại, mẹ cần phân biệt được các loại biếng ăn ở trẻ, tránh một số sai lầm khi cho ăn dặm như bác sĩ đã tư vấn ở trên. Các mẹ đừng quá lo lắng nếu con biếng ăn vài ba tuần trong biếng ăn sinh lý. Tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám để có cách giải quyết phù hợp với từng thể trạng của trẻ. Nhìn chung, các mẹ cần xây dựng được thói quen ăn uống lành mạnh và chuẩn bị cho trẻ khẩu phần dinh dưỡng phù hợp theo độ tuổi.
Nguồn: Avakids