Sữa mẹ là nguồn thức ăn hoàn hảo, phù hợp, sẵn có và thuận tiện nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

Sữa mẹ là nguồn thức ăn hoàn hảo, phù hợp, sẵn có và thuận tiện nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn nữa, là những thông điệp về thực hành nuôi con bằng sữa mẹ được các chuyên gia khuyến cáo.

Thời kỳ cho con bú là một thời kỳ rất quan trọng với người mẹ và trẻ nhỏ, đây là cột mốc đánh dấu quá trình trẻ được hấp thụ những chất dinh dưỡng bên ngoài bụng mẹ. Bởi vậy, vai trò của người mẹ là rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho con có sự phát triển tối ưu.

Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng của bà mẹ cho con bú đối với sữa mẹ- Ảnh 2.Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Vậy các bà mẹ sẽ làm như thế nào để có đủ sữa cho con, và làm thế nào để cho con có được những giọt sữa hoàn hảo và chất lượng nhất? Chế độ ăn của bà mẹ có ảnh hưởng đến chất lượng của sữa mẹ hay không là một câu hỏi thường trực không những với bà mẹ mà còn là của cán bộ y tế, nhà nghiên cứu.

Nuôi con bằng sữa mẹ là tiêu chuẩn vàng trong nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Như chúng ta đã biết, ngoài lợi ích lên sự tăng trưởng cơ thể, sữa mẹ còn có nhiều lợi ích khác nhau, bao gồm điều chỉnh chức năng đường ruột, phát triển hệ thống miễn dịch và phát triển não bộ của trẻ. Sữa mẹ được thay đổi một cách tự nhiên phù hợp để đáp ứng chính xác nhu cầu của trẻ, đây là đặc tính mà các loại sữa công thức không có được. Đáng chú ý, sữa mẹ hầu như luôn luôn đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ đủ tháng, ngay cả khi dinh dưỡng của chính bà mẹ không đầy đủ (1).

Vậy sữa mẹ có giá trị dinh dưỡng như thế nào?

Sữa mẹ chứa hơn 88% là nước, trong 100 ml sữa mẹ chứa 1,5g protein, 3g chất béo và 7g chất bột đường, cung cấp 61Kcal năng lượng (Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam. Viện Dinh dưỡng, năm 2016).

Protein: Trong thời kỳ đầu cho con bú, hàm lượng protein trong sữa mẹ dao động từ 1,4–1,6 g/100 mL, đến 0,8–1,0 g/100 mL (sau ba đến bốn tháng), đến 0,7–0,8 g/100 mL (sau sáu tháng).

Lactose (Thành phần chất đường): Ngược lại với protein và chất béo, hàm lượng lactose trong sữa trưởng thành khá ổn định. Nồng độ ổn định của lactose rất quan trọng trong việc duy trì áp suất thẩm thấu không đổi trong sữa mẹ. Lượng lactose trong sữa mẹ không liên quan đến lượng đường sữa bà mẹ tiêu thụ. Sữa đầu bữa có chứa một lượng lactose tương đương với sữa khi kết thúc cữ bú, tuy nhiên lại chứa ít chất béo hơn.

Chất béo: Hàm lượng chất béo trong sữa mẹ thay đổi theo sự phát triển của thời kỳ tiết sữa, từ 1,9 đến 2,3% trong sữa non đến 3,2–4,9% trong sữa trưởng thành và chiếm khoảng một nửa năng lượng cung cấp cho trẻ sơ sinh khi được bú mẹ hoàn toàn (3).

Sự biến đổi trong thành phần của sữa mẹ

Thành phần sữa mẹ thay đổi do các yếu tố như tuổi mẹ, số lần sinh của mẹ, yếu tố dinh dưỡng, yếu tố hành vi, nội tiết tố của mẹ, yếu tố môi trường, giới tính trẻ sơ sinh, thời gian cho con bú và nhiều yếu tố khác.

Một trong những tác động lớn nhất đến thành phần sữa mẹ là tình trạng dinh dưỡng và chế độ ăn uống của người mẹ. Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng đến thành phần sữa mẹ không giống nhau ở các thành phần dinh dưỡng khác nhau.

Nghiên cứu được tiến hành trên 133 trẻ sơ sinh nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn. Dữ liệu theo chiều dọc cho thấy hàm lượng protein và năng lượng trong sữa giảm từ 1 đến 3 tháng tuổi. Thành phần dinh dưỡng đa lượng, đặc biệt là hàm lượng chất béo, khác nhau đáng kể giữa các bà mẹ. Hàm lượng chất béo và năng lượng trong sữa lúc trẻ 3 tháng tuổi liên quan đến mức tăng phần trăm mỡ cơ thể của trẻ trong giai đoạn từ 1 đến 6 tháng tuổi.

Nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, sữa mẹ của những bà mẹ khỏe mạnh, được nuôi dưỡng tốt chứa hầu hết các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh. Khẩu phần ăn của bà mẹ có ảnh hưởng đến thành phần sữa mẹ và sự tăng trưởng của trẻ. Điều đặc biệt là với những trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ, mặc dù lượng calo và protein tiêu thụ của người mẹ thấp hơn nhu cầu khuyến nghị nhưng sữa mẹ vẫn đủ cho sự phát triển trẻ trong 6 tháng đầu.

Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng của bà mẹ cho con bú đối với sữa mẹ- Ảnh 3.Một trong những tác động lớn nhất đến thành phần sữa mẹ là tình trạng dinh dưỡng và chế độ ăn uống của người mẹ

Thói quen ăn uống của bà mẹ trong thời gian cho con bú có thể ảnh hưởng đến thành phần sữa mẹ, cho thấy tầm quan trọng của việc cung cấp đủ dinh dưỡng cho bà mẹ trong thời kỳ cho con bú không chỉ đối với bản thân bà mẹ mà còn để cung cấp sữa cho trẻ sơ sinh với đủ số lượng và chất lượng, đủ chất dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng cân bằng.

Các khuyến nghị hiện tại của Tổ chức Y tế thế giới chỉ ra rằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thích hợp nhất trong giai đoạn đầu đời, đặc biệt là trong 6 tháng đầu đời, điều này được hỗ trợ bởi nhiều nghiên cứu khác nhau chỉ ra mối liên hệ giữa việc nuôi con bằng sữa mẹ và giảm nguy cơ viêm tai giữa cấp tính, viêm dạ dày ruột không đặc hiệu, nhiễm trùng đường hô hấp dưới nghiêm trọng, viêm da dị ứng, hen suyễn, béo phì, đái tháo đường tuýp 1 và 2, bệnh bạch cầu ở trẻ em và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Việc tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ – cùng với việc cho ăn bổ sung – được khuyến nghị từ 6 đến 24 tháng tuổi dựa trên các mối liên quan cho thấy giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong do nhiễm trùng cũng như béo phì và tiểu đường trong cuộc sống sau này. Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất giành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đóng vai trò quan trọng trong phát triển tối ưu của trẻ nhỏ.

Chế độ ăn uống của người mẹ có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ bằng các con đường trao đổi chất khác nhau tạo ra tác động gián tiếp và cũng có một số con đường trao đổi chất điều chỉnh sự kết hợp sữa mẹ nhất định trực tiếp thông qua chế độ ăn uống. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bà mẹ trong thời kỳ cho con bú có thể quan trọng không chỉ đối với bản thân người mẹ mà còn cung cấp cho trẻ sơ sinh nguồn sữa đủ lượng và chất lượng để có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

ThS. BS. Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng