Trẻ dưới 3 tuổi nghĩ rằng thế giới xoay quanh là của chúng, cơ bản thì trẻ không có bản năng chia sẻ. Tuy nhiên chia sẻ có thể học được nếu dạy và làm mẫu cho trẻ. Dưới đây là những cách đơn giản cho trẻ thấy chia sẻ tức là quan tâm đến người khác.
1. Hãy bắt đầu sớm
Trẻ có thể tiếp thu những trải nghiệm mới và bộc lộ qua việc chơi. Đó là một cách an toàn để trẻ thực hành hay biểu đạt những điều học được. Những món đồ chơi chính là những cơ hội chia sẻ đầu tiên, vì thế hãy tập cho trẻ thói quen chờ đến lượt ngay từ khi trẻ ở tuổi ấu nhi.
Thí dụ, bạn có thể đưa cho trẻ một cái lúc lắc để trẻ lắc rồi lấy lại, bạn lắc rồi lại đưa cho trẻ. Việc làm này giúp dạy trẻ rằng nó có thể chia sẻ mà vẫn vui. Tiếp tục chia sẻ với trẻ khi trẻ đến tuổi tập đi, hãy nói thành lời và khen ngợi trẻ, kiểu như: “Đến lượt mẹ nhé? Cảm ơn vì con đã chia sẻ với mẹ…” Hãy nghĩ mọi việc một cách tích cực, cố gắng tránh lâm vào tình trạng nổi cáu khi trẻ không muốn đưa vật đó cho bạn. Hãy kiên trì.
2. Chia sẻ sở thích
Chia sẻ đồ của bạn sẽ giúp hình thành khái niệm chia sẻ, vì vậy đừng phân biệt đồ vật là của ai, thay vì nói “đấy là của mẹ, đừng động vào!”, thì hãy nói “đó không phải là đồ chơi, đừng nghịch nó” và hãy đưa cho trẻ một đồ chơi khác thay thế. Tất nhiên là có một số thứ không an toàn hoặc quý giá, nhưng hãy thử chia sẻ. Hãy cho trẻ chơi với chìa khóa của bạn, uống từ chiếc cốc yêu thích của bạn hoặc thử đi giày của bạn.
3. Cả nhà cùng chơi
Giờ chơi chung của gia đình có thể là sự chuẩn bị hoàn hảo cho việc học chia sẻ. Khi con bạn chơi với những khối gỗ, hãy hỏi nó “Bố mẹ có thể có vài khối không?” Nếu nó từ chối, hãy lánh đi rồi thử lại sau. Điều này cho trẻ thấy chia sẻ thì sẽ có nhiều người cùng chơi và sẽ vui hơn.
4. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ
Hãy bắt đầu từ những đồ chơi ít yêu thích và đề ra những nội quy cố định kiểu như: không chia sẻ thì sẽ cất đồ chơi đi (khi mang trở lại thì nói “hãy thử chia sẻ lại …”). Điều này cho trẻ thấy sự ích kỷ sẽ không mang lại thành công.
Nguồn tham khảo: marrybaby, vietnamnet