Có những thói quen tưởng chừng vô hại, thậm chí có thể cảm thấy bé ngoan hơn nên bố mẹ vẫn thường duy trì cho bé. Nhưng thực tế chúng có thể gây ra nhiều tác hại và cần thiết loại bỏ sớm. Để biết cách xây dựng lại kế hoạch sinh hoạt hàng ngày cho con và giúp con khỏe mạnh hơn, cha mẹ cần phải biết bé đang mắc những thói quen xấu nào. Dưới đây là những thói quen xấu gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà con trẻ thường hay mắc phải. Hãy cùng Vt-foods tìm hiểu nhé!!!
1. Kén ăn
Những bé thường xuyên kén ăn sẽ chỉ chịu ăn một số món ăn nhất định, nên dễ bị thiếu một hoặc vài chất dinh dưỡng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của bé.Khi trẻ quá kén chọn thức ăn, chúng sẽ có ác cảm với thức ăn khi được ăn những thức ăn mới. Nhiều trẻ luôn sợ phải thử thức ăn mới…
Các bác sỹ nhi khoa cho biết: Việc ăn một lượng thực phẩm cố định trong suốt một thời gian dài sẽ dẫn đến việc bé không nhận đầy đủ các chất dinh dưỡng để có sức khỏe tốt. Kén ăn còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi và suy dinh dưỡng thể béo phì mà còn gây ra các biến chứng lâu dài, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển về thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Nghiêm trọng hơn, sự kén ăn của trẻ có thể dẫn đến nguy cơ bị chậm pɨát triển, rối loạn tăng trưởng, dễ mắc các bệnh mạn tính…
Vì vậy, nếu bé không thích một món ăn mới, bạn không nên gạch ngay món đó ra khỏi thực đơn của bé mà Cha mẹ cần thiết kế bữa ăn theo tháng tuổi, không cho trẻ ăn quá nhiều hay quá ít, không cho trẻ ăn thức ăn đơn điệu, nên đổi món thường xuyên, xen kẽ thức ăn mới và thức ăn cũ mà trẻ thích. Tuyệt đối không nên quát mắng, doạ nạt… Tránh có những hành động như đè bé ra đút thức ăn, đánh cho bé khóc để bé nuốt…, mọi sự ép buộc đều có thể dẫn tới tác động ngược lại mà bản thân cha mẹ không thể lường trước được.
2. Trẻ nghiện xem các thiết bị công nghệ
Các thiết bị điện tử đang trở thành một trong những công cụ phổ biến được nhiều cha mẹ sử dụng để dỗ con nhanh nín, dụ con ăn, để con yên cho làm việc. Tuy nhiên chính điều này đã khiến các bé ngày càng lệ thuộc vào các thiết bị điện tử thông minh và lười vận động. Trẻ em “nghiện” công nghệ và hình ảnh trẻ em dính lấy ipad, điện thoại thông minh và tivi… có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trong thời kỳ công nghệ 4.0. Điều này khiến các bậc phụ huynh đau đầu vì cai “nghiện” công nghệ không hề dễ dàng.
Khi các bé chăm chú nhìn vào màn hình tivi quá lâu, khả năng điều tiết của mắt sẽ rối loạn, lâu ngày sẽ dẫn đến suy giảm thị lực nhanh chóng. Hơn nữa nhiều bé có thói quen xem tivi với khoảng cách rất gần nên rất dễ bị các tật về mắt như cận thị, viễn thị. Mắt sẽ hoạt động quá tải và bị căng thẳng nếu trẻ xem ti vi liên tục trong một thời gian dài, tình trạng càng nguy hiểm hơn nếu trẻ xem tivi trong phòng tối. Bên cạnh đó, tâm tính của trẻ cũng có nhiều thay đổi, dễ cáu gắt, gây hấn với cha mẹ, trẻ chỉ chú ý vào các thiết bị này và thờ ơ với xung quanh.
Ngoài ra, xem tivi nhiều sẽ khiến trẻ không có thời gian dành cho các hoạt động quan trọng và bổ ích khác như đọc sách, vui chơi và trò chuyện với bố mẹ… Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không được hòa thuận, trẻ dễ mắc phải một số bệnh về tâm lý, điển hình là tự kỷ.
Để bảo vệ sức khoẻ cho trẻ, thiết nghĩ các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian cho trẻ, hướng trẻ vào những hoạt động lành mạnh phù hợp với độ tuổi nhằm tránh những hệ luỵ khó lường có thể xảy ra. Không cấm đoán việc các con xem tivi hay chơi game bởi điều đó làm chúng càng “thèm muốn”. Tuy nhiên, cần đưa ra một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như 10, 15, 20, 30 phút hàng ngày hay 1-2 giờ vào dịp cuối tuần. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho trẻ được chơi đùa, thư giãn tại các khu vui chơi, các công viên có khoảng không gian rộng lớn, nhiều cây xanh,… cho trẻ đạp xe, đá bóng, chơi cầu lông, chơi patin… Tất cả hoạt động này giúp trẻ có cơ hội vận động, giải tỏa mệt mỏi căng thẳng khi học tập và làm trẻ năng động, nhanh nhẹn hơn rất nhiều.
3. Mút tay, cắn móng tay
Khi trẻ mút tay sẽ kích thích não bộ sản xuất endorphin khiến trẻ cảm thấy thoải mái, thích thú, thư giãn. Tuy nhiên việc mút tay kéo dài sẽ mang lại nhiều tác hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Trẻ mút tay khi bàn tay chưa được rửa sạch sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tay- miệng như bệnh tay chân miệng, thủy đậu, cúm, các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa. Những trẻ có động tác mút tay mạnh, nhai tay có thể gây các tổn thương ở da ngón tay, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng da. Mút tay trong thời gian kéo dài có thể gây biến dạng xương ngón tay, ngón tay bị mút sẽ có hình dạng bất thường. Nghiêm trọng hơn, ở những trẻ 5-6 tuổi đang trong giai đoạn thay răng vĩnh viễn, thói quen mút tay kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của vòm miệng và sự sắp xếp của răng, dẫn đến tình trạng một số tình trạng như lệch khớp cắn, khó phát âm, hô (răng và hàm bị đẩy ra ngoài), móm (một hàm bị tụt vào trong),…
Bạn có thể khiến bé ngừng mút tay bằng cách bôi lên tay những thứ có vị đắng, hoặc đeo găng tay cho bé. Đôi khi, khen ngợi bé khi không mút ngón tay cũng khiến bé chủ động trong việc loại bỏ thói quen xấu này. Với những trẻ đã ghiền ngậm tay và ngậm đồ chơi, trong giai đoạn cai ngậm mút tay cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý thói quen vệ sinh cần thiết cho trẻ như nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay sạch, cắt móng tay, vệ sinh da để tránh lây bệnh, những đồ chơi thường ngày và nơi vui chơi của trẻ cũng phải đảm bảo việc giữ vệ sinh thật tốt
4. Lười vận động đặc biệt là với những hoạt động ngoài trời
Trẻ em ngày nay thường thích chơi điện tử hơn là vận động ngoài trời. Đây là thói quen không hề tốt cho sức khỏe và có nguy cơ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm. Thực ra thói quen xấu này không hoàn toàn là lỗi của trẻ mà xuất phát từ sự bận rộn của các bậc cha mẹ.
Việc lười vận động sẽ khiến trẻ phải đối mặt với những nguy cơ dễ mắc nhiều bệnh như là: Bệnh tim. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển thì trong máu của các trẻ ít vận động có những dấu hiệu về sinh – hóa học cho thấy biểu hiện tiềm ẩn của căn bệnh tim mạch ở giai đoạn đầu. Hệ cơ và xương của trẻ không thể phát triển toàn diện. Một số chuyên gia cho rằng người Việt hiện thấp nhất trong khu vực là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên. Bệnh béo phì và từ đó là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh tiểu đường loại 2 cho trẻ
Những hoạt động vui chơi ngoài trời giúp giúp trẻ giảm nguy cơ béo phì, tăng nhiều hiểu biết và phát triển kỹ năng vận động. Việc tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên, đặc biệt là với trẻ nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khoẻ, phát triển chiều cao. Đặc biệt, điều này còn giúp trẻ có thể tránh được tình trạng, tự kỉ, ngại giao tiếp, nhút nhát thường thấy ở những trẻ lười vận động.
Thỉnh thoảng bạn hãy có kế hoạch chơi ngoài trời cho cả gia đình. Điều này không chỉ mang lại không khí vui vẻ, thoải mái cho cả nhà mà còn giúp bé yêu thích vận động hơn. Một số hoạt động cả gia đình bạn có thể tham gia như đạp xe đạp, đi bơi, đi bộ… Với những hoạt động này vừa nhẹ nhàng mà vẫn có tác dụng đối với sức khỏe
5. Thích đồ ngọt
Khi trẻ ở trong độ tuổi đi học (từ 3 tuổi trở lên), trẻ sẽ thích ăn những món ăn vặt như bánh kẹo, snack, nước ngọt, đồ hộp… Việc ăn quá nhiều đường không hề tốt cho trẻ nhỏ chút nào. Tiêu thụ đường thường xuyên sẽ dẫn đến dư thừa lượng đường trong cơ thể và có nguy cơ mắc các bệnh như huyết áp cao, béo phì, tiểu đường.
Vì thế cắt giảm và điều tiết những đồ ăn ngọt là điều cần thiết để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Bạn có thể áp dụng những chiêu thức sau để giúp bé cắt giảm với loại đồ ăn này.Tuy nhiên thì không nên đột ngột bắt trẻ phải từ bỏ thói quen ăn đồ ngọt vì điều đó sẽ khiến trẻ bị hẫng và khó chấp nhận. Thậm chí nó còn kích thích những cơn thèm ăn đồ ngọt của bé trở nên dữ dội và khó “cai” hơn. Tránh dùng thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều đường: Tốt nhất nên chế biến món ăn từ những nguyên liệu thực phẩm tươi sống, sẵn có.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước tinh khiết phải được coi là “đồ uống” chủ lực trong ngày của trẻ, ngoài ra trẻ có thể uống thêm nước ép trái cây và sữa ít chất béo. Táo, bánh pho mát hoặc sữa chua là đồ ăn vặt lý tưởng giữa những bữa ăn chính để thay thế cho đồ ăn ngọt.
6.Ngoáy mũi
Ngoáy mũi là một thói quen xấu mất vệ sinh rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Thường thì trẻ ngoáy mũi khi chúng cảm thấy chán, mệt mỏi hay căng thẳng. Mặc dù ngoáy mũi không quá nguy hiểm nhưng việc làm này có thể đưa các loại vi khuẩn gây bệnh vào mũi qua ngón tay trẻ, đồng thời dễ dàng lây lan mầm bệnh cho người khác. Bé ngoáy mũi nhiều còn có thể gây chảy máu dẫn đến tình trạng đau nhức mũi khi ngủ..
Nếu bé có tật xấu này, bạn nên nhắc bé không được ngoáy mũi, phải rửa tay sạch sẽ và dùng khăn sạch, mềm để làm vệ sinh mũi. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu về tác nhân môi trường khiến con bị ngứa mũi như: dị ứng, không khí khô, nóng để kịp thời có biện pháp khắc phục, giúp con giảm sự khó chịu và số lần ngoáy mũi.
Các thói quen xấu luôn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con trẻ. Vì vậy, để tránh con gặp rắc rối về sức khỏe, cha mẹ nên tập cho con những thói quen tốt ngay từ khi trẻ còn bé. Bên cạnh đó, trong quá trình trẻ lớn lên, phụ huynh cũng nên dành nhiều thời gian để quan sát và điều chỉnh thói quen của trẻ.
—Nguồn kiddi—